TP HCM kiến nghị lập tổ liên ngành giám sát thực hiện dự án Vành đai 3

Nguyễn Triệu 14:52 | 11/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản kiến nghị gửi UBND TP về việc tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.

Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa kiến nghị UBND TP về việc tổ chức, giám sát quá trình thực hiện dự án thành phần 1, thuộc dự án vành đai 3 TP HCM.  Sở GTVT cho biết, dự án vành đai 3 TP HCM có tính chất quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, thời gian thực hiện cấp bách. Đặc biệt là các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo cơ chế đặc biệt được Quốc hội và Chính phủ cho phép. Bên cạnh đó, các gói thầu xây lắp của dự án có giá trị lớn, đặc thù, yêu cầu cao về kỹ thuật. Do đó, trong quá trình triển khai dự án, tiềm ẩn yếu tố có thể xảy ra phát sinh rủi ro, tiêu cực, thủ tục thực hiện có nguy cơ sai sót,..

 Sơ đồ  dự án đường Vành đai 3 ( ảnh VnEconomy)

 

Bên cạnh đó, Thành ủy TP HCM cũng đã ban hành Chỉ thị số 18/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan tổ chức theo dõi quá trình triển khai thực hiện dự án, kịp thời dự báo, phát hiện, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo chấn chỉnh từ sớm những vấn đề có nguy cơ sai sót, sai phạm (nếu có).

Vì vậy, UBND Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, Tổ giúp việc và Hội đồng cố vấn dự án. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này chủ yếu để chỉ đạo, điều hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án. Trong khi đó, dự án vành đai 3 TP HCM liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

 

Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư 75.300 tỉ đồng. Đoạn tuyến thuộc địa phận TP.HCM dài hơn 47 km, yêu cầu diện tích mặt bằng khoảng 397 ha trên các địa bàn TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.Về mốc tiến độ, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Hiện các địa phương đang triển khai công tác GPMB. Việc thu hồi, GPMB sẽ ảnh hưởng tới 1.670 hộ gia đình, trong đó 663 hộ phải giải tỏa trắng.

Để theo dõi, kiểm tra, giám sát một cách sát sao trong triển khai thực hiện các dự án và kịp thời nắm bắt tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, Sở GTVT đã kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương thành lập Tổ công tác liên ngành giám sát quá trình thực hiện dự án thành phần 1, dự án vành đai 3 trên địa bàn Thành phố. Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định thành lập, quy chế làm việc của Tổ công tác.

Tổ công tác sẽ giúp Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện giám sát, theo dõi, kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia xây dựng dự án. Đồng thời, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đặc biệt là quá trình thi công, nghiệm thu các hạng mục của công trình.

Mặt khác, Tổ công tác này sẽ tăng cường công tác giám sát, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xây dựng của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án. Đặc biệt trong quá trình thi công, nghiệm thu xây dựng công trình, hạng mục công trình... Theo đề xuất thành phần Tổ công tác gồm lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư là tổ trưởng, đại diện Sở GTVT và Sở Xây dựng là tổ phó. Các thành viên gồm có Công an TP.HCM; Thanh tra Thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Sở Tài chính...