Cần khắc phục nhiều bất cập của doanh nghiệp

13:29 | 28/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Từ 25/5 đến ngày 28/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Rất nhiều vấn đề liên quan đến bất cập của doanh nghiệp đã được đưa ra bàn thảo và khuyến nghị khắc phục.

Cần khắc phục nhiều bất cập của doanh nghiệp - ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách Nhà nước, sáng 26/5. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) 
DNNN - lãi tăng nhưng chưa xứng với tiềm lực

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 khẳng định DNNN chưa thực sự phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Tính đến ngày 31/12/2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1.515.821 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng, nộp ngân sách phát sinh là 251.845 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011.Một số doanh nghiệp có năm đạt tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Mía đường.

Đối với DNNNcó một phần vốn góp, thực hiện thoái vốn, thu hồi vốn nhà nước đạt được một số kết quả nhất định. Trong giai đoạn 2011-2015, đã thoái vốn nhà nước 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần so với giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát cho rằng hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011-2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao.

Còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản...Ngoài ra, việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý, một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Đất "vàng", đất "bạc" rơi vào tay các doanh nghiệp “bạch tuộc”

Thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế=-xã hội tại Hội trường Quốc hội sáng 25/5, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai.

“Nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất "vàng", đất "bạc" rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc không đầu tư cho sản xuất, mà chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức, làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước”, ông Vượt nêu bức xúc.

Cần khắc phục nhiều bất cập của doanh nghiệp - ảnh 2
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến đất đai. (Nguồn: Báo Đầu tư).
Đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức, cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm.

Đồng thời khuyến nghị: Chính phủ cần sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, khu vực đất “vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp cần thay đổi mô hình, cơ chế

Thảo luận về kinh tế-xã hội sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo Quốc hội một số nội dung về phát triển xuất khẩu, thị trường; vấn đề giải cứu nông sản; công nghiệp hỗ trợ và các dự án kém hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: Doanh nghiệp Việt phát triển chưa bền vững do chất lượng sản phẩm chưa có sự đồng nhất, ổn định. Đây là trở ngại rất lớn để thị trường Việt Nam xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi; đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, tập quán thương mại quốc tế về truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm

Còn tồn tại nhiều yếu kém trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ ngành đối với việc nghiên cứu, theo dõi, phân tích đánh giá về tín hiệu thị trường nhằm gắn kết hơn nữa giữa thị trường với lực lượng sản xuất trong nước.

Cần khắc phục nhiều bất cập của doanh nghiệp - ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, sáng 26/5.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải tạo ra được sự thay đổi lớn, trong đó có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất để tổ chức theo chuỗi đó; đồng thời thay đổi mô hình, cơ chế chính sách nhằm thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào các khâu sản xuất, chế biến, phân phối với chuỗi cung ứng của trong nước, khu vực và thế giới.

Cùng với đó là thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hiện trên cả nước mới có khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có 0,32% tham gia công nghiệp chế biến chế tạo. Với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về năng lực, công nghệ; quy mô doanh nghiệp ở mức siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận ngành công nghiệp hỗ trợ của khu vực và thế giới còn rất hạn chế. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành giải quyết 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.  

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành.

Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; hoàn thiện quy định về lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát người quản lý doanh nghiệp, quản lý đất sau cổ phần hóa.

Cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp, xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Các DNNN cần tập trung vào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh chính; xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước./.