Cần kiểm soát chặt dòng tiền chảy vào bất động sản, chứng khoán để tránh rủi ro
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản giải trình ý kiến của Đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, tại phiên thảo luận tại ngày 25/7/2021, ĐBQH Hà Sỹ Đồng đã có ý kiến về hoạt động của ngành ngân hàng: "Về chính sách tiền tệ, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính, đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của NHNN trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn".
Kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Về ý kiến của Đại biểu, Thống đốc NHNN giải thích, trong chỉ đạo, điều hành CSTT, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Nhờ đó tín dụng tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống được nâng cao; tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ bất động sản).
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thống đốc cho rằng, những tháng đầu năm 2021 vừa qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Xu hướng này tương đồng với diễn biến chung trên thế giới một năm qua, trước bối cảnh triển vọng kinh tế khó lường, lãi suất ngân hàng giảm mạnh (nhiều nước áp dụng lãi suất âm), thị trường chứng khoán, bất động sản đã tăng mạnh tại nhiều nước (Mỹ, Anh, Australia, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc)…
Việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều Bộ, ngành. Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường giám sát, quản lý và cảnh báo rủi ro, thông báo công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất; phát hiện, ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng, đầu cơ tăng giá; đẩy mạnh nguồn cung bất động sản... Về phía ngành ngân hàng, từ đầu năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; do đó, tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát.
“Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chỉ đạo TCTD mở rộng quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc NHNN khẳng định.
Nguồn tiền đang dần rời bỏ ngân hàng
Trao đổi với Báo Đầu tư, Trang, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng T. tại Hà Nội cho biết, chưa khi nào thấy nguồn tiền dễ dàng rời khỏi ngân hàng mà lại còn “đi” nhanh đến thế.
Được giao phụ trách một nhóm khách “VIP” nên Trang khá nhàn ở khía cạnh khai thác khách hàng. Lượng khách hàng cao cấp này có dòng tiền ra - vào thường xuyên, nhưng về cơ bản có nguồn tiền nhàn rỗi tương đối lớn và ổn định. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dòng tiền từ nhiều khách "VIP" có sự thay đổi không nhỏ, ngày càng theo hướng rút ra nhiều hơn gửi vào.
Gần đây, một khách hàng thông báo sẽ rút 15 tỷ đồng. Khách hàng chia sẻ, lãi suất ngân hàng thấp quá, trong khi có mối quan hệ với một công ty chứng khoán nên cùng một người bạn chuyển tiền sang tài khoản chứng khoán để đầu tư cổ phiếu.
Biết được suy nghĩ của khách “VIP”, Trang giới thiệu vị khách này mua trái phiếu doanh nghiệp do Ngân hàng bảo lãnh với lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm, hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất huy động 3,4%/năm cùng kỳ hạn của Ngân hàng, nhưng nhận được lời từ chối. Trang gợi ý khách hàng mua trái phiếu của công ty chứng khoán trong hệ sinh thái của Ngân hàng với lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, nhưng vị khách cho hay, công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản có gói đầu tư trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi.
Trang cho biết thêm, trong bối cảnh giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, có những khách hàng phải tạm ngừng kinh doanh nên gửi tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, nhưng sẵn sàng thế chấp sổ tiết kiệm, vay lại tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán. Một bộ phận khách hàng khác gửi tiết kiệm được một thời gian nhưng yêu cầu tất toán trước hạn do cơ hội đầu tư ở “phía bên kia” hấp dẫn hơn.
Hỏi về giải pháp của ngân hàng trước tình trạng khách hàng lớn rút tiền, Trang nói: “Nếu là tình trạng này trước kia thì ngay lập tức ngân hàng sẽ có giải pháp nhằm níu kéo khách hàng. Nhưng hiện tại, nguồn huy động nhìn chung vẫn ổn, trong khi cho vay rất khó khăn, điều này có nghĩa ngân hàng phải gánh phần chi phí cho nguồn vốn dôi dư. Do đó, ngân hàng chấp nhận để khách hàng ra đi”.
Tương tự, giám đốc chi nhánh Ngân hàng S ở phố Trung Kính, Hà Nội chia sẻ: “Hiện giờ, cán bộ, nhân viên chủ yếu giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp. Thỉnh thoảng có khách hàng đến tất toán sổ tiết kiệm, đa số chuyển sang đầu tư chứng khoán, chứ không phải rút từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác nhằm hưởng lãi suất cao hơn như trước đây”.
Cần giải pháp căn cơ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán.
"Về lâu dài, ngành ngân hàng cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.