Cảnh giác với những `nấm độc thông tin` mùa mưa lũ trên mạng xã hội

13:38 | 24/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những thông tin trên mạng xã hội ngày càng bộc lộ rõ là "con dao 2 lưỡi". nếu không phân biệt được rõ ràng chúng ta có thể trở thành nạn nhân của những trò câu like rẻ tiền.
Trong khi người dân cả nước đang chung tay góp sức cùng đồng bào miền Trung vượt qua đợt lũ lụt lịch sử, trên mạng xã hội, không ít kẻ xấu lại lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh… để tung ra những tin tức bịa đặt.
 
Không chỉ gây hoang mang dư luận, nhiều đối tượng còn nhẫn tâm xúc phạm đến danh dự và sự hi sinh cao quý của những người lính đã ngã xuống để bảo vệ cuộc sống của nhân dân, thậm chí giả mạo các cơ quan chức năng để phát tán tin giả nhằm thực hiện mưu đồ chính trị.
 
Khi nhìn giao diện của một trang facebook, không ít người lầm tưởng đây là một trang thông tin chính thống của Ban tuyên giáo Trung ương nhưng nội dung bài viết lại thể hiện rõ sự miệt thị, xúc phạm đến những cá nhân, hội nhóm đang quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung. Ngay khi được đăng tải đã có hàng nghìn bình luận, hàng trăm lượt chia sẻ với động cơ chính trị đen tối, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ các cơ quan tổ chức cá nhân. Thậm chí, trang này còn lợi dụng việc một ca sĩ đang tích cực quyên góp hỗ trợ người dân để tung tin sai sự thật, nói xấu các cơ quan Nhà nước. Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định đây hoàn toàn là những thông tin giả mạo, gây ảnh hưởng rất xấu, xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín của Ban Tuyên giáo Trung ương.
 
Cảnh giác với những `nấm độc thông tin` mùa mưa lũ trên mạng xã hội - ảnh 1
 
Mạng xã hội được ví như con dao 2 lưỡi
 
Ông Vũ Thanh Mai - Chánh văn phòng Ban tuyên giáo Trung ương khẳng định Ban Tuyên giáo Trung ương không có tài khoản mạng xã hội nào và sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng cố tình lập ra tài khoản giả mạo hoặc chế ảnh mạo danh Ban Tuyên giáo Trung ương.
 
Một vụ việc khác là hình ảnh cậu bé bê bết bùn đất được tổ chức phản động Việt Tân đưa lên mạng xã hội với chú thích một em bé Quảng Trị được cứu sống từ trong lòng đất, kèm theo đó là hàng loạt câu chữ xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đây là hình ảnh cậu bé bị ngã khi chơi đùa gần đồng ruộng, đã được báo chí đăng tải từ tháng 6/2020, 5 tháng trước khi xảy ra lũ lụt. Không dừng lại ở những thông tin bịa đặt, sai sự thật, sự hy sinh anh dũng của các cán bộ chiến sĩ quân đội nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cũng bị các đối tượng bôi nhọ.
 
Hay 19/10, trên một số facbook, fanpage có đưa tin về việc cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 có khả năng mạnh lên tới cấp 17 (cấp siêu bão) và đổ bộ vào Trung Bộ. Theo Trung tâm, thông tin này là hoàn toàn sai vì đến thời điểm này cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng như các nước khác không có dự báo như vậy.  Hàng trăm bình luận thể hiện sự lo lắng cho người dân miền Trung vì những ảnh hưởng của cơn bão trước vẫn chưa được khắc phục. Quang Thuần, một nhân viên văn phòng quê ở Quảng Bình đang làm việc tại TP.HCM, cho biết: "Tin về siêu bão cấp 17 phủ khắp Facebook khiến mình tưởng thật nên đã gọi về báo gia đình ở quê chuẩn bị. Mọi người ở nhà nghe thế cũng rất hoang mang vì không biết phải làm gì tiếp theo".
 
Cảnh giác với những `nấm độc thông tin` mùa mưa lũ trên mạng xã hội - ảnh 2
 
Người dân cần cẩn trọng với những thông tin từ nguồn mạng xã hội
 
Hay tin hồ Phú Vinh (ở thành phố Đồng Hới) xả lũ Dù không có căn cứ nhưng thông tin này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dân đã lo lắng và tiếp tục truyền tai nhau.
 
Trang mạng có địa chỉ website: duatin24h.xyz đã đăng lại sự việc với tiêu đề “Quảng Bình: Đoàn cứu trợ ra khỏi nhà dân, Chính quyền thôn đến thu lại tiền hỗ trợ”. Qua kiểm chứng, thực tế, đây là nội dung được các báo đăng tải vào năm 2016. Phần lớn hình ảnh, nhân vật, địa điểm và nội dung được đăng tải lại trong trận lũ lụt năm 2016 nhưng được cắt ghép, thay đổi thời gian vào thời điểm 21/10/2020.
 
Những thông tin bịa đặt nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm mưa lũ với nhiều hậu quả nặng nề này. Đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh hành vi này theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe và ngăn chặn thông tin bịa đặt, sai sự thật gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay.
 
Việt Nam là 1 trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với gần 64 triệu tài khoản facebook và gần 35 triệu tài khoản YouTube. Đây thực sự là phương thức tiếp cận đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả để các đối tượng xấu phát tán những thông tin giả. Hiện rất nhiều các tài khoản giả mạo, thông tin xấu, độc hại đã bị cơ quan chức năng phối hợp với đơn vị cung cấp ứng dụng mạng xã hội đánh sập. Tuy nhiên, mỗi người sử dụng mạng xã hội cũng cần nâng cao trách nhiệm công dân để trở thành một phần của lá chắn trước những luồng thông tin độc hại.
 
Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15.4.2020, hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội có thể bị phạt mức cao nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Như vậy việc đưa thông tin không đúng về tình hình mưa lũ, gây hoang mang sẽ bị phạt rất nặng. Người tham gia mạng xã hội cũng cần cân nhắc, lựa chọn khi chia sẻ thông tin.
Nguyễn Dung(t/h)