Cập nhật KQKD quý I: Gần 600 doanh nghiệp công bố lợi nhuận

Hoàng Kiều 14:49 | 26/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhóm chứng khoán tiếp tục có một quý khởi sắc trái lại nhóm dược phẩm ghi nhận nhiều đơn vị sụt giảm lợi nhuận hai chữ số.

Dữ liệu từ Wichart cho thấy tính tới sáng 26/4 có trên 580 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2024.

Nhóm chứng khoán ghi nhận nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi đột biến so với cùng kỳ như: Ngân hàng LienVietPostBank (Mã: LPB), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán HSC (Mã: HCM), Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI), Chứng khoán VIX (Mã: VIX), Chứng khoán SHS (Mã: SHS), Chứng khoán MBS (Mã: MBS), Chứng khoán VietinBank (Mã: CTS), Chứng khoán DSC (Mã: DSC), Chứng khoán Bảo Việt (Mã: BVS), Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC), Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND),...

Môi trường lãi suất neo ở mức thấp và thị trường chứng khoán có những diễn biến tích cực giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh là yếu tố giúp nhóm chứng khoán lãi lớn quý đầu năm.

CTCP FPT (Mã: FPT) tiếp tục mức đỉnh lợi nhuận quý, ghi nhuận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 20% trong quý đầu năm lên 1.798 tỷ đồng.

 

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart. 

Trái lại, một số doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận trong quý I như: MBBank (Mã: MBB), PG Bank (Mã: PGB), PNJ (Mã: PNJ), Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Imexpharm (Mã: IMP), Domesco (Mã: DMC), Mộc Châu Milk (Mã: MCM), Nam Tân Uyên (Mã: NTC), Cảng Đình Vũ (Mã: DVP), Cao su Phước Hoà (Mã: PHR),...

Doanh nghiệp đứng đầu ngành là Dược Hậu Giang giải trình việc lợi nhuận giảm 38% quý I do giá thành sản xuất tăng vì công ty chủ động điều tiết sản lượng để đưa dự trữ tồn kho về mức thấp. Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, lãi suất xuống thấp cũng làm hụt thu tài chính và tỷ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Tương tự, Imexpharm cho biết giá đầu vào leo thang cộng với việc nhà máy IMP4 đi vào hoạt động quý III/2023 khiến chi phí khấu hao và vận hành tăng là yếu tố chính khiến lãi ròng giảm 20% so với cùng kỳ.

Tính tới sáng 26/4 có hơn 120 doanh nghiệp báo lỗ quý đầu năm. Doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lớn nhất tính tới thời điểm này là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) với khoản lỗ ròng 158 tỷ.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

NT2 giải trình việc thua lỗ là do quý I/2024, sản lượng điện chỉ đạt 151,5 triệu kWh, trong khi sản lượng điện cùng kỳ năm 2023 đạt hơn 1 tỷ kWh khiến doanh thu sản xuất điện giảm 88% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn nên NT2 lỗ đậm quý đầu năm và cũng là quý lỗ kỷ lục của NT2.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác báo lỗ lớn quý đầu năm như: Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS), CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Mã: NOS), CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM), Chứng khoán SBS (Mã: SBS), Thuỷ sản Cavodimex (Mã: CAD), Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1), Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH),...