Cắt giảm chi phí logistic để doanh nghiệp Việt nâng sức cạnh tranh
Chi phí logistic hiện nay ở Việt Nam ở nước ta còn khá cao so với mặt bằng chung của thế giới, làm tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Liên kết để cắt giảm chi phí logistic nâng sức cạnh tranh trong nước và thế giới
Trời phỏng vấn Tạp chí điện tử Danh Nhân Việt Nam - Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra ý kiến: Chi phí logistic hiện nay ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng, chi phí logistic cao là điểm nghẽn, là yếu tố gây cản trở, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải đã đưa ra các giải pháp để cắt giảm chi phí logistic Việt Nam cần một kế hoạch vừa cụ thể, vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực: Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống về hạ tầng, về cơ sở vật chất, kết nối các phương thức vận tải cần được cải thiện, để tránh việc dồn quá nhiều vào một phương thức vận tải như đường bộ, trong khi đó không khai thác hiệu quả được các phương thức khác như đường sắt, đường thủy.
Cần tiếp tục hoàn thiện về hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách thúc đẩy cho dịch vụ logistic phát triển. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp logistic cũng cần có một kế hoạch của riêng mình để chủ động nâng cấp dịch vụ, đáp ứng được chất lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng. Qua đó phát triển thị trường trong nước và nước ngoài.
Cắt giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh trong logistic
Đặc biệt, các yếu tố về nhân lực và công nghệ cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì đây là những yếu tố giúp cho doanh nghiệp trong điều kiện nguồn vốn chưa nhiều, quan hệ chưa có… thì công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và tiết giảm chi phí.
Yếu tố về sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistic khá cần thiết khi mà đa số các doanh nghiệp logistic Việt Nam đều nhỏ và sự liên kết hiện nay vẫn còn đang rất rời rạc, chưa tạo nên sức mạnh tập thể để cùng phát triển. Về yếu tố này, vai trò của các hiệp hội, chính quyền địa phương là rất cần thiết.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực chuyển vận
Ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp tháo gỡ bất cập nhằm cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam.
Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics: tập trung vào lĩnh vực vận tải và vùng kinh tế và XNK trọng điểm, qua đó góp phần giảm chi phí logistics một cách cơ bản. Xây dựng thêm các cảng biển nước sâu phục vụ cho chuyên chở hàng hóa nộị vùng châu Á, Đông Bắc Á và Châu Âu, Châu Mỹ.
Đẩy nhanh việc phát triển đường cao tốc Bắc - Nam, qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển Bắc - Nam. Cao tốc kết nối Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long với Tp. HCM và Cụm Cảng Cái Mép Thị Vải. Phát triển vận tải đường thủy nội địa ĐB Sông Hồng và Sông Cửu Long và cải thiện các tuyến đường thủy nội địa khác, tập trung vào cảng và phương tiện xếp dỡ.
Giảm chi phí vận tải, an toàn giao thông, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, qua đó giảm chi phí logistics.
Cải thiện hiệu quả vận tải đường sắt nội địa và quốc tế: Sớm đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sử dụng phương thức Vận tải đường sắt hỗ trợ cho vận tải đường bộ. Phát huy tác dụng của vận chuyển đường sắt trong thời gian đại dịch Covid-19, để vận chuyển hàng hóa hoa quả tươi, hàng đông lạnh xuất khẩu qua Trung Quốc, cắt giảm được thủ tục tại biên giới và giảm cước vận chuyển so với đường bộ.
Tăng cường vận chuyển đường sắt quốc tế đi Châu Âu. Xuất khẩu hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu.
Ông Đào Trọng Khoa cũng nhấn mạnh: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích FDI và DN trong nước đầu tư dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh phục vụ cho hàng nông thủy sản, hải sản, đầu tư phát triển kho lạnh tại khu vực sân bay, phương tiện vận chuyển lạnh và đặc biệt là mở các tuyến bay chuyên chở hàng quốc tế trực tiếp. Qua đó góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông, hải sản xuất khẩu.
Nông sản Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ... nên việc đa dạng hóa hình thức vận chuyển bên cạnh vận tải đường bộ là giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt .
Ông Đào Trọng Khoa chia sẻ để phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt.
Hiện Chính phủ đã có Văn bản số 7709/VPCP – CN Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao Thông vận tải phối hợp với Bộ ban ngành liên quan nghiên cứu đánh giá và đề xuất phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cho các tuyến đường chuyên biệt.
Bên cạnh đó cần phát triển các Trung tâm dịch vụ Logistics phục vụ cho phát triển kinh tế và XNK vùng nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Đi đôi với phát triển các Trung tâm logistics vùng là xây dựng các ICD khu vực có quy mô lớn, gần cảng biển.
Tập trung đầu tư phát triển kho bãi đông lạnh và dây chuyên cung ứng lạnh, phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu hàng thủy sản, nông sản.
Thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong các hoạt động logistics, ứng dụng công nghệ, hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi phục vụ cho logistics.
Nhà nước cần có chiến lược khuyến khích và hỗ trợ các start up công nghệ phục vụ logistics. Tiếp tục đào tạo kỹ năng chuẩn nghề chương trình đào tạo chuyên nghiệp có chứng chỉ quốc tế nhằm nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực của các DN cung cấp dịch vụ Logistics trong thời đại số.
Minh Thư