Câu chuyện về ba lần vượt bão của chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ

11:26 | 11/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để kể về câu chuyện xây dựng nên Tập đoàn Hoa Sen, nhiều người nói đường đời của doanh nhân Lê Phước Vũ có thể được viết thành tiểu thuyết.

Chủ tịch Lê Phước Vũ là ai?

 
Chủ tịch Lê Phước Vũ sinh 28 tháng 5 năm 1963 tại Quy Nhơn, Bình Định. Quê cha mẹ ở Điện Bàn, Quảng Nam. Vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Giao thông ông đã cùng gia đình khăn gói vào miền Nam để tìm kế mưu sinh với hy vọng đổi đời.
 
Tại "miền đất hứa", ông làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh. Công việc luôn phải xa nhà và chạy những tuyến đường nguy hiểm mà cuộc sống của gia đình ông vẫn không cải thiện, vì thế gia đình ông lại tiếp tục khăn gói lên Buôn Mê Thuật lập nghiệp với mong ước cuộc sống sẽ tốt hơn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ông và gia đỉnh nhỏ của mình lại dắt díu nhau quay trở lại Sài Gòn.
 
Thất bại liên tục không làm ông nản lòng mà ngược lại, ý chí quyết tâm vươn lên càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Trở lại Sài Gòn, ông Vũ làm quản đốc cho Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của CTCP Gỗ Đức Thành hiện nay). Sự gặp gỡ tình cờ của ông Vũ với vị giám đốc một công ty thép nước ngoài đã giúp ông nảy sinh ý định tự mình đứng ra kinh doanh.
 
Chân dung chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
Chân dung chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
 
Năm 1994, Lê Phước Vũ lấy 2 chỉ vàng mà vợ chồng ông tích lũy bao lâu nay mở một cửa hàng nhỏ bán tôn. Sau 3 năm kinh doanh, ông Vũ nhận thấy rằng cửa hàng hoạt động không còn hiệu quả, đánh liều ông vay mượn khắp nơi mở một xưởng cán tôn.
 
Khi đã có một lượng khách hàng ổn định, ông đã mở ra nhiều xưởng tôn khác cũng trong thời gian đó, ông vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm về công nghệ sản xuất mới cũng như cách thức quản trị kinh doanh. 
 
Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn vì phải chạy vạy lo tiền thanh toán trả góp máy móc thiết bị, lương nhân viên, áp lực cạnh tranh…Nhiều lúc tưởng chừng như xưởng của ông ngấp nghé bên bờ vực phá sản nhưng chữ “nhẫn” mà ông học được từ triết lý phật giáo đã giúp ông bình tĩnh giải quyết mọi việc một cách hợp lý nhất, cũng từ đó công việc làm ăn của ông ngày càng thuận lợi hơn.
 

Hành trình gây dựng đế chế Hoa Sen

 
Tới tháng 8 năm 2001, ông thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen với số vốn 30 tỷ và với nguồn nhân lực là 22 nhân viên tại đây ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Hoa Sen. Dưới sự lãnh đạo tài tình và chiến lược phát triển đúng đắn Hoa Sen từ một công ty nhỏ dần dần phát triển lớn mạnh.
 
Với triết lý kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” ông Vũ đã cất công xây dựng một hệ thống phân phối để bán trực tiếp tới người dùng, điều được thị trường ghi nhận như một đường hướng đúng đắn giúp công ty non trẻ của ông đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều “tiền bối” trong lĩnh vực này.
 
Chân dung chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ gặp gỡ đối tác nước ngoài
 
Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 và giá thép cán nóng sụt khủng khiếp từ gần 1.100 USD/tấn xuống dưới 500 USD/tấn, chính chiến lược này đã giúp Hoa Sen trụ vững bất chấp hoàn cảnh.
 
Chưa dừng lại ở đó, sau cơn suy thoái, khi nhiều doanh nghiệp còn loay hoay tìm cách đứng dậy thì ông đã đủ điều kiện đầu tư dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp 3 lần tổng công suất hiện có của Hoa Sen vào thời điểm đó.
 
Dự án được xây dựng nhanh kỷ lục chỉ trong 10 tháng, từ tháng 5/2009 đến tháng 3/2010, đã hoàn thành dây chuyền đầu tiên để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, tạo doanh thu, góp phần giúp Tập đoàn vượt qua khủng hoảng và đón đầu khi nền kinh tế phục hồi.
 
Cũng ngay trong giai đoạn khó khăn đó, thị trường vật liệu xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi sự đóng băng của thị trường bất động sản, ông Vũ đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nhiều quốc gia. Bước đi đó đã giúp Hoa Sen đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng doanh thu, và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn - thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu xấp xỉ 300 triệu USD trong năm 2014.
 
Chân dung chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ có sự quyết đoán và khả năng lãnh đạo tài tình
 
Với sự nhạy bén và tinh thần dám nghĩ dám làm, các quyết định đầu tư và kinh doanh của ông Vũ đều đem lại hiệu quả cao. Chính điều này đã giúp Tập đoàn Hoa Sen thu hút được các nhà đầu tư tài chính quốc tế như Red River Holding, Deutsch Bank, STIC Investments, Dragon Capital, KITMC…
 
Để có được như ngày hôm nay thì con đường kinh doanh của ông gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Ông phải tự mình học hỏi nhiều, học từ công việc, học trong thực tiễn kinh doanh, học từ thất bại, học phán đoán, dự liệu mọi tình huống và có phương án để đối phó những trường hợp xấu nhất.
 
Ông sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền thuê các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn cho mình và mọi người các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, để áp dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất của nhà máy (thời điểm đó việc làm này là một hoạt động xa sỉ).
 
Khi được hỏi có mạo hiểm quá hay không khi đưa thương hiệu tôn Hoa Sen ra thị trường thế giới thì ông cho rằng "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông thường ví von rằng các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung những cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né tránh họ thì họ sẽ không đánh tới ta được. Nhờ biết cái thế của mình nên Hoa Sen luôn giữ vững và mở rộng thị phần và doanh nghiệp vẫn tăng trưởng cho dù kinh tế khó khăn.
 
Chân dung chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
Doanh thu của tập đoàn Hoa Sen từ năm 2005 - 2020 (Nguồn: cafebiz)
 
Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2019-2020 (Hoa Sen áp dụng năm tài chính bắt đầu từ 1/10 đến 30/9 năm sau), tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã thu về 690 tỷ đồng lợi nhuận. So với cùng kỳ của niên độ liền trước, con số này tăng 149%. Kết quả này ấn tượng hơn khi doanh thu của tập đoàn thấp hơn 12%.
 
Nếu so với kế hoạch kinh doanh của cả niên độ 2019-2020 là 400 tỷ đồng, tập đoàn Hoa Sen vượt mục tiêu 72% chỉ sau 3/4 thời gian. Hoạt động bán hàng của Hoa Sen giờ đây tập trung vào hiệu quả lợi nhuận thay vì tập trung vào sản lượng, từ đó xây dựng KPI cho nhân viên bán hàng với trọng số cho phần KPI liên quan đến lợi nhuận cao hơn.
 

Thực hư câu chuyện xuất gia

 
Về Chủ tịch Lê Phước Vũ, theo thông tin bài viết đăng tải trên website của Tập đoàn này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã làm nghi thức xuất gia tượng trưng.
 
Chân dung chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ có mong muốn xuất gia nhưng vẫn chưa thể giải quyết được hết trách nhiệm với tập đoàn Hoa Sen
 
Việc ông chủ Hoa Sen có tâm nguyện "buông" để xuất gia là có thật nhưng trách nhiệm với Tập đoàn vẫn còn nên ông Vũ chưa thể "quẳng gánh lo". Vì vậy, ông Lê Phước Vũ mới xin Đức Pháp chủ cho phép 8 năm sau được chính thức xuất gia, sau khi giải quyết ổn thoả công việc của Tập đoàn Hoa Sen.
 
 
Thanh Thùy (T/h)
 

 

 

ĐỌC NHIỀU