CEO Luxstay: `Tượng đài` khởi nghiệp làm chủ 3 start-up dù chưa từng đặt chân vào cánh cửa đại học
CEO Nguyễn Văn Dũng là cái tên nổi bật trong giới start-up với hành trình khởi nghiệp lẫy lừng dù chưa từng thi hay học đại học.
CEO Luxstay là ai?
CEO Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1989, trải qua tuổi thơ tiếp xúc với sách lập trình của chị gái từ năm lớp 6 và sớm nhận ra tương lai rộng mở của internet. Khi Internet bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam, anh Dũng thường xuyên đạp xe 5 cây số ra huyện để truy cập mạng tại các quán Internet. Những thay vì chơi game như bạn bè, CEO 8x tập tành tự lập website, blog và bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên ở tuổi 15 từ công việc thiết kế website thuê.
CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng
Sang đến cấp 3, đi học xa nhà, anh có điều kiện tiếp cận Internet toàn diện hơn, niềm yêu thích Internet mới thực sự bùng cháy và trở thành một đam mê. 18 tuổi, anh cũng một người bạn thành lập công ty chuyên về thiết kế, code, vận hành web và một số công việc marketing online khác. Tại đó anh kiêm nhiệm mọi việc từ A-Z, thậm chí, tối làm bảo vệ và ngủ ngay tại trụ sở của công ty.
Không lựa chọn đi học đại học nhưng bao bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Văn Dũng đã từng bị xem là “phiên bản lỗi của gia đình”.
Sự nghiệp của CEO Luxstay
Năm 2007, khi mới chỉ 18 tuổi, anh cũng một người bạn thành lập Netlink – công ty chuyên về thiết kế, viết code, vận hành web và một số công việc marketing online khác. Netlink hiện nay là một trong những đối tác lớn nhất của Google tại Việt Nam cũng như tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Netlink cũng là đơn vị sở hữu Metub Network – mạng lưới YouTube MCN (đa kênh) lớn nhất Việt Nam, quản lý hơn 800 kênh nội dung (trong đó có rất nhiều kênh Official YouTube của các nghệ sĩ lớn như: Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Trấn Thành…).
CEO Nguyễn Văn Dũng những ngày đầu khởi nghiệp cùng Netlink
Năm 2017, anh Dũng quyết định bán 51% cổ phần Netlink cho Yeah1 với giá 86,3 tỷ đồng. Đến đầu năm 2018, Yeah1 tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Netlink lên 76% với tổng chi phí mua vào 128,6 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD). Trên hệ thống đăng ký kinh doanh, Nguyễn Văn Dũng vẫn đang là Tổng giám đốc Netlink.
Việc bán "đứa con tinh thần" đầu đời là bước ngoặt để CEO Nguyễn Văn Dũng lập ra Luxstay vào năm 2017, nền tảng chia sẻ phòng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hàng chục ngàn địa điểm lưu trú cao cấp khắp cả nước. Sự bùng nổ của ngành bất động sản Việt Nam lúc bấy giờ, cùng với xu hướng du lịch homestay đang thịnh hành và trong tương lai sẽ còn vượt xa hình thức khách sạn truyền thống.
CEO Dũng và Luxstay tham gia gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam
Luxstay với những tiềm năng sáng giá đã nhanh chóng thu hút vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư Nhật Bản CyberAgent của Shark Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn). Sau hơn 2 năm hoạt động, Luxstay đã thực hiện thành công 3 vòng gọi vốn với tổng số vốn kêu gọi cho đến thời điểm hiện tại là 168 tỷ đồng.
Một sự kiện hợp tác đáng chú ý khác vào năm 2019 của Luxstay là khi start-up này chính thức ký nhận đầu tư từ lntracom Group của Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Phạm Thanh Hưng và M-TP Entertainment (của ca sĩ Sơn Tùng M-TP tức Nguyễn Thanh Tùng) vào ngày 29/11/2019.
Lễ ký kết đầu tư gây chấn động của Luxstay năm 2019
Startup này hiện vẫn trong giai đoạn “đốt tiền” nhưng CEO Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng họ sẽ đạt điểm hòa vốn vào giữa năm 2022, đồng thời trở thành startup biểu tượng của Việt Nam, có khả năng đánh chiếm các thị trường trong khu vực.
Mục tiêu của Luxstay là xây dựng nền tảng có khả năng phát triển ở quy mô lớn, chứ không chỉ dừng lại là một công ty dịch vụ. Bởi vậy, Luxstay đang đầu tư xây dựng hệ thống có khả năng xử lý tự động hàng trăm ngàn đơn hàng mỗi ngày nhằm phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ một cách tốt nhất. Và ứng dụng công nghệ là yếu tố tối quan trọng trong trường hợp này.
Luxstay hướng đến thị trường châu Á rộng lớn
Sau 3 năm triển khai, Luxstay hiện đã có mặt trên toàn quốc và đang đi theo hướng riêng và chứng minh được sự lợi hại trước các đối thủ nước ngoài vốn đã có nhiều tiếng tăm. Trong khi các ứng dụng đặt phòng phổ biến như Airbnb, Traveloka, Booking, Agoda thường nhắm đến các thành phố lớn, thì Luxstay hướng tới thị trường homestay tại các điểm du lịch nổi tiếng như một bàn đạp để từ đó chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Chiến lược của Luxstay là lấy Việt Nam làm nền tảng để đi ra khu vực, trọng tâm là hướng tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tham vọng phủ kín tập khách hàng châu Á. Đây là điểm khác biệt so với Airbnb, khi ứng dụng này phổ biến đối với người dùng ở các nước phương Tây.
Vượt bão COVID-19 như Luxstay
Thị trường home-sharing tại Việt Nam mới hình thành nhưng đang phát triển với tốc độ bứt phá, tuy nhiên, theo dữ liệu thống kê, hiện tại thị phần home-sharing tại Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với khách sạn truyền thống. Thống kê năm 2019 của Tổng cục Du lịch cho thấy quy mô toàn ngành lưu trú hiện đạt xấp xỉ 9 tỷ USD.
Đây không chỉ là khó khăn duy nhất của thị trường home-sharing tại Việt Nam trong năm 2020. Dịch COVID-19 ập đến khiến nhiều cơ sở lưu trú hoạt động theo mô hình chia sẻ, homestay chịu đòn giáng mạnh. Thời gian gần đây, rất nhiều chủ homestay rao bán cơ sở lưu trú của mình với mức giá rẻ, thậm chí có trường hợp sang nhượng 0 đồng.
Luxstay cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch bệnh COVID-19
Luxstay cũng không nằm ngoài vòng xoáy dịch bệnh này nên buộc phải ưu tiên việc tối ưu hiệu quả thay vì mở rộng. Với nguồn cung chỗ ở lưu trú đang dư thừa lớn, việc các cơ sở lưu trú hướng tới đa dạng lựa chọn thuê ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để tối đa doanh thu.
Bên cạnh đó, Luxstay bắt buộc phải điều chỉnh ngân sách chi tiêu cho phù hợp tình hình thực tế để đảm bảo thời gian "sống sót" lâu nhất có thể. CEO 8x quyết định ngừng mọi ngân sách marketing và tối ưu lại các chi phí để hoạt động với quy mô tối giản.
Luxstay tiến hành thay đổi bản thân để thích ứng
Đồng thời, Luxstay và CEO Dũng cũng triển khai hợp tác hoặc thâu tóm các doanh nghiệp có khả năng tạo ra lợi nhuận ngắn hạn để tận dụng nguồn lực và kiếm tiền trong lúc những kế hoạch dài hạn phải điều chỉnh.
Kế hoạch trong tương lai của CEO Nguyễn Văn Dũng và Luxstay đó là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện sản phẩm công nghệ, chuẩn bị tốt cho giai đoạn hậu dịch có thể tăng trưởng trở lại. Đồng thời lên kế hoạch thuyết phục các nhà đầu tư rót thêm vốn ngay khi phù hợp.
Thanh Thùy (T/h)