CEO Nguyễn Tuấn Dương: 'Khởi nghiệp như một trận đấm bốc, ai chịu đựng giỏi hơn sẽ thắng'

Trang Mai 14:00 | 13/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong hành trình lập nghiệp gần nửa thập kỷ, anh Nguyễn Tuấn Dương, nhà sáng lập và điều hành CTCP Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam (Tinh bột kháng Dr. Ruột) nhận ra rằng, niềm tin là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong hành trình khởi nghiệp. Có niềm tin vào bản thân, vào con đường mình đã chọn mới có thể thành công. Tuy nhiên, niềm tin ấy cũng phải dựa trên sản phẩm và giá trị nó đem lại cho cộng đồng.

Tổng tài sản có 12 tỷ, được quyền “phá” 4 tỷ để khởi nghiệp

Cách đây 2 năm, trên sóng chương trình gọi vốn trực tuyến Shark Tank năm 2022, CEO Nguyễn Tuấn Dương đã có màn mở đầu gọi vốn đầy ấn tượng. Anh thành công nhận được sự đồng ý hợp tác từ các “cá mập” với sản phẩm mới mẻ là tinh bột kháng Dr. Ruột. 2 năm kể từ đó, doanh nghiệp hiện nay đã có những bước phát triển vững vàng với quy mô lớn hơn và lượng khách hàng thường xuyên ổn định.

 CEO Nguyễn Tuấn Dương - Nhà sáng lập, CEOCTCP Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam. Ảnh: NVCC 

Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, nhà sáng lập và điều hành CTCP Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Dương đã có những trải lòng về hành trình dài lập nghiệp, từ khi nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đến khi bị cả gia đình xa lánh, nghi ngờ khả năng thành công và trái ngọt dần xuất hiện. 

Anh Dương kể lại, khi quyết định khởi nghiệp, anh đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng, thu nhập hàng tháng ổn định từ 40 - 50 triệu/tháng. Vậy nên khi anh bỏ công việc nhiều người mơ ước để dấn thân vào con đường startup, CEO trẻ đã lường trước khởi nghiệp sẽ không dễ dàng, và đúng là thực tế còn khó khăn hơn nhiều.

“Phải đến năm 2021, công ty mới có lãi cả năm ngang bằng 1 tháng lương công việc tôi làm trước kia, nhưng để có được con số này thì công ty nhiều năm chỉ có âm, lỗ luỹ kế rất dài. Tôi thường khuyên mọi người khởi nghiệp đi, nhưng khi nhìn lại hành trình của mình, nhiều lúc tôi bị “chột”. 

 

“Quan trọng nhất khi khởi nghiệp thì ngoài con đường, cách làm thì còn là sức chịu đựng. Giống như một trận đấm bốc, ai chịu đau giỏi thì người đó sẽ chiến thắng. Trong kinh doanh cũng vậy, ai chịu được đau đớn về cả thể xác, tinh thần và đặc biệt là vốn thì cơ hội thành công sẽ càng cao hơn”.

CEO Nguyễn Tuấn Dương - Nhà sáng lập, CEO CTCP Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam.

“Cả một hành trình dài mười mấy năm, đến giờ nhìn lại thì tôi thấy nó khá thú vị. Trước khi khởi nghiệp, tôi có 2 căn nhà, đi du lịch trong và ngoài nước mỗi năm, lo được cho gia đình nhỏ ở Hà Nội. Thế nhưng khi quyết định khởi nghiệp thì 2-3 dự án bị vỡ, tiền tiết kiệm từ năm 2011 chỉ có đi ra và không trở lại. Tổng tài sản gia đình lúc đó có khoảng 12 tỷ đồng, tôi được phép lấy 4 tỷ để khởi nghiệp, nhưng tiền chỉ có đi ra.

Thậm chí trong gia đình còn cảm thấy rất sốc, bởi tôi đã làm ở ngân hàng, đáng lý việc quản lý tiền bạc phải rất giỏi, thế nhưng lần lượt tài sản trong nhà đều một đi không trở lại. Thậm chí có thời điểm mọi người còn nghi ngờ tôi nghiện, hoặc chơi cờ bạc, cá độ. Thế nhưng sau một thời gian dài “theo dõi”, mọi người đã tin là mình đang khởi nghiệp thật", anh Dương nhớ lại. 

Đã có những lúc đổ bỏ cả tấn nguyên liệu, mất trắng vài trăm triệu chỉ trong một đêm, thế nhưng đây vẫn chỉ là những rào cản đầu tiên trong hành trình lập nghiệp. 

“Bây giờ kể ra thì mọi người sẽ thấy rất bình thường, thậm chí buồn cười vì nó qua rồi nhưng tại thời điểm đấy, có khoảnh khắc phải nuốt nước mắt. Trước khi vào nhà phải ngồi trong xe một tiếng đồng hồ, gạt tất cả mọi thứ ra rồi mình mới bước chân vào nhà một cách bình thường. Gia đình thì không nói ra nhưng tôi hiểu rằng có những thời điểm mình gần như là bị mất kết nối, ai không ưa thì cho rằng tôi là một con người phá hoại của gia đình, không nhiều người tin mình sẽ thành công trừ ba mẹ và vợ”, chàng thanh niên trẻ nhớ lại. 

 

Bắt đầu nghiên cứu sản phẩm từ năm 2018, nhưng đến tháng 4/2022 thì công ty mới bắt đầu có lãi. Thời điểm đó, CEO Tuấn Dương cho hay đã phải vận dụng mọi cách để bán được hàng. Từ việc mua data tư vấn, mang những sản phẩm đi tặng, viết thư gửi đi khắp nơi… nhưng đến khi được xuất hiện trên Shark Tank, chỉ trong vòng 8 tháng đã có 22.000 khách hàng. Có những người phải chờ 4 tháng mới nhận được sản phẩm, làm không kịp bán. Thậm trí trụ sở phải “đóng cửa” vì lượng người xếp hàng quá đông. Doanh thu khi đó gấp hàng chục lần thời điểm trước đó.

“Gặp may” trong kinh doanh và bài học để phát triển bền vững

Tinh bột kháng của Dr. Ruột sử dụng 100% là các nông sản Việt, do đó nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất để duy trì sản phẩm. “Khi làm dự án này thì tôi lên khảo sát vùng nguyên liệu trên vùng cao, giá một cân củ tươi chỉ có 1.300 - 1.800 đồng/kg và người dân đang có xu hướng chặt bỏ cây vì nó không còn kinh tế nữa. Một năm trời vất vả nhưng thu về lại không được bao nhiêu. Khi tôi có nói về việc chuẩn bị triển khai dự án thì ngay lập tức giá đã tăng lên hơn 2.000 đồng/kg, và mức thu mua đó đã có thể giữ lại vùng nguyên liệu. Khi chế biến thành bột thô, giá thành đã tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg bột. Nhưng giá này là khi mới chỉ “nghe tin”, còn vào thực tế thì giá nông sản có thể tăng gấp 3-5 lần, giúp bà con phần nào ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất”. 

Hiện nay, các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến kinh tế tuần hoàn khép kín, từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến công nghệ cao, gia tăng giá trị thương phẩm, hạn chế tối đa việc là xuất thô, đưa ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề mà đang tồn tại từ bao lâu nay hoặc phải phụ thuộc vào các giải pháp ở nước ngoài đưa về.

Việc này không chỉ mang giá trị về tài chính cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp còn có thể quay trở lại hỗ trợ cho người nông dân. Bên cạnh đó là việc đưa các nhà khoa học vào cuộc để nhân bản những giá trị đó trong nhiều lĩnh vực khác nhau. 

“Sau khi có những dự án của doanh nghiệp, các vùng nguyên liệu sẽ giữ được và giá trị thương phẩm sẽ cao hơn rất nhiều, đời sống người nông dân tăng lên. Doanh nghiệp cũng đề xuất nông dân không dùng hoá chất để tưới bón cho nguyên liệu và dần mình cũng đưa ra các tiêu chuẩn để vùng trồng được phát triển bền vững”, CEO Dương thông tin.  

Nhìn lại con đường khởi nghiệp của bản thân, anh Dương cho rằng mình không phải là người giỏi nhất, nhưng là con người lạc quan nhất. “Lạc quan đem lại cho mình niềm tin vào con đường mình đã chọn, vào những nhân sự đang đi theo mình. Kinh doanh sẽ không tránh khỏi những thăng trầm. Nhưng không được lúc thắng thì trọng đãi và lúc thua thì hắt hủi”. 

Ngoài làm chủ doanh nghiệp, anh Dương cũng rất quan tâm đến các dự án khởi nghiệp. Bởi theo anh, “ai cũng sẽ có lần đầu và vấp ngã, thế nhưng việc lựa chọn đúng thì vấp ngã có thể đỡ đau hơn”. 

Dành lời khuyên cho những ai bắt đầu dự án startup, anh Dương chia sẻ: “Là người khởi nghiệp, mình đừng đi theo con đường người khác đã chọn. Mình phải ưu tiên tìm kiếm những cái mới, những giải pháp mới để giải quyết những vấn đề còn tồn tại và bức xúc của xã hội.

Lao vào thị trường đỏ thì sẽ cần rất nhiều tiền, cạnh tranh cao, thế nhưng thành công ngày hôm nay chưa chắc đảm bảo thành công của ngày mai. 

Nhưng nếu chọn con đường xanh, con đường độc quyền thì quy mô có thể sẽ tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên con đường này cũng sẽ rất khó đi, quan trọng là mình tin vào bản thân và tìm được những người đồng hành phù hợp”.