Chân dung Elon Musk, tỷ phú USD vừa giành ngôi vị giàu nhất thế giới

07:00 | 17/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, tính đến hết phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15/10), Elon Musk đang sở hữu 236 tỷ USD tài sản ròng. Riêng trong ngày 15/10, tài sản của ông đã tăng 6 tỷ USD, vị tỷ phú này đã "cá kiếm" hơn 60 tỷ USD kể từ năm 2021.

Hành trình lên ngôi vị người giàu có nhất hành của tỷ phú Elon Musk bắt nguồn từ tháng 1 năm nay với cột mốc lần đầu vượt mặt Jeff Bezos, CEO của hãng thương mại điện tử Amazon để dành danh hiệu trên. 

Khối tài sản của Musk được báo cáo là tăng chóng mặt trong năm nay bất chấp dịch bệnh nhờ đà đi lên của cổ phiếu hãng xe điện Tesla và một thương vụ gần đây đã định giá công ty khai phá vũ trụ SpaceX ở mức 100 tỷ USD. Theo Bloomberg, chỉ trong thương vụ Spacex đã cộng vào tài sản của ông Musk tăng thêm 11 tỷ USD. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước Tesla và Space X, vị tỷ phủ người Mỹ từng có nhiều thương vụ thành công ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hiện tại của chúng ta. 

Ảnh chân dung tỷ phú Elon Musk

Vốn được coi là "Iron Man phiên bản đời thực", Elon Musk sinh ngày 28 tháng 6 năm 1971 tại Nam Phi. Ông từng theo học tại Đại học Queen, Kingston, Ontario, vào năm 1990. Sau đó, ông chuyển sang Đại học Pennsylvania về Vật lý và Kinh tế. Doanh nhân người Mỹ còn hoàn thành xong khóa tiến sĩ Thiết kế của Trường Đại học Nghệ Thuật và Khoa học. Đồng thời sở hữu bằng tiến sĩ Kỹ thuật hàng không vũ trụ của Đại học Survey.

Giống như nhiều vị tỷ phú nổi danh khác, Elon Musk khởi nghiệp bằng việc bỏ học và cùng anh trai mình là Kimbal Musk thành lập “Zip2”. Một dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ cho các tờ báo nổi tiếng như The New York Times và Chicago Tribune. Sau này Zip2 được Compaq mua lại với giá 240 triệu đô.

Sau đó, Elon được biết đến liên quan tới Paypal - một dịch vụ chuyển tiền qua mạng Internet nổi tiếng hiện nay thông qua việc thành lập X.com, một ngân hàng trực tuyến sau đó nó sáp nhập với Confinity vào năm 2000 và cuối năm đó đổi tên như hiện tại. 

Ông tiếp tục đầu tư hàng triệu USD vào công ty thứ ba – SpaceX năm 2002. SpaceX là công ty dịch vụ hàng không vũ trụ và vận chuyển không gian. Chỉ trong vòng 7 năm sau đó, doanh nghiệp này đã thiết kế dòng phương tiện phóng vào không gian Falcon; dòng tàu vũ trụ đa năng Dragon. SpaceX đã nhận được hợp đồng từ NASA để vận chuyển hàng hóa đến ‘Trạm vũ trụ quốc tế’.

Mối lương duyên đến với Tesla Inc - một công ty sản xuất xe điện khi Musk tham gia giúp đỡ tài chính. Năm 2004, ông trở thành chủ tịch công ty, đảm nhận vai trò thiết kế ‘Roadster’. Sản phẩm này đã giành giải thưởng sản phẩm ‘Global Green’. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế cho đến bây giờ, ông tiếp tục trở thành CEO và kiến ​​trúc sư sản phẩm.

Năm 2006, Elon Musk đã truyền cảm hứng cho việc thành lập Solar City. Đó là một công ty dịch vụ năng lượng mặt trời. Hiện tại nó là công ty con của Tesla. Musk hoạt động với tư cách là chủ tịch của công ty này.

Ngày 12/8/2013, Musk tiếp tục thể hiện tham vọng bằng loạt kế hoạch mang tính cách mạng về công nghệ du lịch tốc độ cao. Theo lý thuyết, nó có thể thay thế du lịch bằng máy bay về sự lựa chọn nhanh hơn và rẻ hơn. Musk đã hình dung ra một hệ thống giao thông tốc độ cao được gọi là Hyperloop.

Năm 2015, ông trở thành nhà đồng sáng lập OpenAI. Đây là một công ty nghiên cứu phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy trí tuệ nhân tạo thân thiện.

Giữa năm 2016, Musk tiếp tục đóng góp vào việc hình thành Neuralink. Đây là công ty công nghệ thần kinh tập trung vào việc phát triển giao diện não-máy tính. Hiện ông đang là CEO của nó. Sang đến nửa cuối năm 2016, ông tiếp lấn sân sang ngành giao thông với việc thành lập The Boring Company, công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và đường hầm.

Từ đó, với loạt công ty công nghệ mà mình đứng sau điều khiến, Elon Musk không dấu diếm mục tiêu thay đổi thế giới và nhân loại. Bao gồm việc chống lại biến đổi toàn cầu thông qua sản xuất và tiêu thụ nguồn năng lượng bền vững. Đồng thời ông đang nỗ lực cho giấc mơ đặt chân lên sao Hỏa của nhân loại thông qua Space X. 

Để đạt thành quả sở hữu khối tài sản vài trăm tỷ đô như hiện nay thì người đàn ông này đã làm việc không ngừng nghỉ từ khi còn trẻ, nhiều người phải cảm thấy kinh ngạc khi Elon Musk có thể làm việc 85 giờ mỗi tuần. Bên cạnh đó, ông còn sở hữu khả năng thiết lập những tầm nhìn siêu thực cho tương lai và khả năng phục hồi đáng kinh ngạc mà hiếm người có được. 

Elon Musk vượt khó để kiếm tiền ra sao?

Tất nhiên, con đường kinh doanh của vị tỷ phú người Mỹ không chỉ toàn là màu hồng.

Tesla của ông từng nhiều lần ngấp nghé rơi vào cảnh phá sản. Ngay từ thời điểm Musk trở thành CEO vào năm 2008, ông đã phải ra quyết định sa thải 25% nhân viên. Thời điểm này, Tesla chỉ có 9 triệu USD tiền mặt trong tay và đối mặt với nguy cơ không thể giao được xe Roadster cho các khách hàng đặt trước. Tesla khi đó phải huy động 40 triệu USD bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tránh bị phá sản và hoàn thành các kế hoạch về sản lượng đề ra. 

Elon cũng từng tiết lộ trên Twitter rằng Tesla từng suýt phá sản trong thời gian không lâu gần đây. Đó là vào thời điểm từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2019, Có lúc công ty chỉ cách ngưỡng phá sản khoảng một tháng. Quá trình tăng sản xuất Model 3 đầy căng thẳng và đau đớn trong một thời gian dài. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, Tesla thiếu tiền mặt nghiêm trọng vì kinh doanh lỗ. Công ty vấp phải nhiều trở ngại trong việc hoàn thành các mục tiêu sản xuất dòng Model 3.

Tesla Model 3, dòng xe điện từng khiến Elon Musk phải lao đao và suýt phải chịu thất bại trong kinh doanh

Tuy nhiên, cú lội ngược dòng bắt đầu đến với cá nhân Musk và Tesla là khi Model 3 đã trở thành dòng xe bán chạy nhất trong lịch sử Tesla với hơn 500.000 chiếc được giao đến tay khách hàng vào cuối tháng 3/2020. 

Kể từ đó, cổ phiếu Tesla tiếp đà tăng phi mã nhờ lợi nhuận ổn định, kỳ vọng của nhà đầu tư và việc mã này được đưa vào chỉ số S&P 500. Tính chung năm 2020, cổ phiếu Tesla tăng 743%, đưa hãng xe điện này trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. 

Phần lớn tài sản của ông bắt nguồn từ số cổ phần nắm giữ tại Tesla, đồng thời được hưởng lợi từ hợp đồng mới của SpaceX, đẩy định giá doanh nghiệp này lên hơn 100 tỷ USD. Hai yếu tố này giúp Musk có một năm 2020 và năm 2021 đầy thành công. 

Ngoài ra cũng không thể kể đến cái cách mà Elon Musk tận dụng sự nổi tiếng qua mạng xã hội, đặc biệt là Twitter nhằm quảng cáo miễn phí cho Tesla. Vào tháng 8/2018, ông tuyên bố cân nhắc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với mức giá 420 USD/cổ phiếu và đã tìm được nguồn tiền để làm điều này. Dòng tweet này đẩy giá cổ phiếu Tesla tăng kỷ lục.

Mỗi lần sử dụng Twitter là vị tỷ phú người Mỹ lại gây được chú ý

Sang năm 2021, truyền thông liên tục dậy sóng bởi những dòng Tweet của vị tỷ phú. 

Chúng khiến giá trị của Bitcoin tăng vọt sau khi CEO hãng xe điện Tesla, thay đổi phần mô tả ngắn cá nhân trên trang Twitter của mình thành #bitcoin. Hay một trường hợp khác, ông đăng tải lên Twitter: "Gamestonk!!" kèm theo một đường link tới WallStreetBets - trang con thuộc website tập hợp thông tin Reddit. "Gamestonk" là từ kết hợp giữa GameStop và từ "stonks" - từ lóng chỉ cổ phiếu (stock). Ngay lập tức, cổ phiếu cổ của GameStop tăng giá phi mã. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này tăng vọt lên hơn 10 tỷ USD trong phiên giao dịch ngoài giờ và khiến một số ứng dụng giao dịch cổ phiếu nghiệm dư phải tạm ngưng hoạt động.

Nhiều nhà phân tích phải kinh ngạc với khả năng "thao túng" thị trường chứng khoán của vị CEO Telsa trên mạng xã hội. Chỉ cần một dòng trạng thái đã khiến nhiều nhà đầu tư phải rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười", điều mà có lẽ chẳng có nhân vật nào trên thế giới có thể làm được. 

 

Lối sống lập dị, bán hết nhà để tận hưởng "kiếp ở thuê"

Elon Musk từng sở hữu nhiều biệt thự và bất động sản giá trị tại Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm ngoái, ông tuyên bố sẽ bán hết nhà cửa và các tài sản hữu hình khác như một biện pháp để đáp trả những cáo buộc và chỉ trích về sự giàu sang của mình. 

Ông liên tục bán những căn nhà và khu bất động sản triệu đô, có cả tài sản địa ốc từng được mua về giá 17 triệu USD thành phố Los Angeles vào năm 2012. 

Tháng 6 năm nay, tỷ phú giàu nhất thế giới tiếp tục rao bán căn nhà cuối cùng tại California với giá 37,5 triệu USD. Khu biệt thự này được  xây dựng lần đầu vào năm 1916, nơi đây còn có thư viện và phòng âm nhạc, cùng với một nhà bếp và hồ bơi riêng đã được tân trang lại hoàn toàn. 

Hiện vị tỷ phú này đã chuyển đến ở tại Texas vào năm ngoái và đang thuê một ngôi nhà có trị giá vô cùng khiếm tốn với số tài sản mà mình sở hữu, chỉ với giá 50.000 USD ở Boca Chica.