Tỷ phú Ấn Độ, người giàu thứ 2 châu Á muốn đầu tư những gì ở Việt Nam?

07:33 | 09/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỷ phú Gautam Adani, người giàu thứ hai châu Á, bày tỏ mong muốn đầu tư khoản "cực kỳ lớn" vào Việt Nam trong cuộc gặp với Đại sứ Phạm Sanh Châu.

Số tiền đầu tư “cực kỳ lớn”

Trong chuyến công tác đến thành phố Ahmedabad, bang Gujarat ngày 28/9, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã gặp tỷ phú Gautam Adani, chủ tịch tập đoàn Adani, với mong muốn thuyết phục người giàu thứ hai Ấn Độ và thứ 24 thế giới với khối tài sản lên tới hơn 71 tỷ USD này đầu tư vào Việt Nam.

Con trai đầu của tỷ phú Adani, đồng thời là tổng giám đốc điều hành tập đoàn và phụ trách về lĩnh vực cảng biển, cùng với một tổng giám đốc phụ trách về năng lượng và một tổng giám đốc về sản xuất vũ khí, thiết bị không gian cũng tham gia cuộc gặp.

Cuộc gặp giữa Đại sứ  Phạm Sanh Châu và tỷ phú Gautam Adani

Sau khi trao đổi với Đại sứ Sanh Châu, Chủ tịch tập đoàn Adani đã bày tỏ mong muốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hải cảng và cảng hàng không.

"Sau khi nghe tôi trình bày, tỷ phú Adani suy nghĩ rồi đưa ra một con số cực kỳ lớn", Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ với VnExpress về hứa hẹn đầu tư vào Việt Nam của tỷ phú Adani, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

Đại sứ Sanh Châu nói thêm, tập đoàn Adani muốn bắt đầu kế hoạch đầu tư bằng việc mua một nhà máy nhiệt điện, một cảng biển hoặc một cảng hàng không ở Việt Nam, đồng thời đã "để mắt" tới một số cảng tiềm năng.

"Trước khi ra về, bà tổng giám đốc tập đoàn nói với tôi rằng 'Chủ tịch của chúng tôi rất ít khi hứa hẹn, nhưng nếu đã hứa thì có thể làm được ngay. Điều đó chứng tỏ ông ấy rất yêu quý Việt Nam'", Đại sứ kể.

Chia sẻ về lý do tập đoàn Adani muốn đầu tư vào Việt Nam, Đại sứ Sanh Châu cho rằng Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng và phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn này.

"Tập đoàn Adani sở hữu một mỏ than ở Australia và một ở Indonesia. Họ đang xuất khẩu than vào một số nước và dường như đang tìm cách xuất khẩu vào Việt Nam. Do đó, việc muốn mua một nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam có vẻ là mục tiêu rất phù hợp", ông nói.

Đại sứ Sanh Châu hy vọng nếu trở thành hiện thực, kế hoạch đầu tư của tập đoàn Adani sẽ mở đường cho làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, hải cảng và cảng hàng không.

"Đây có thể trở thành bước ngoặt rất lớn, giúp tăng cả chục lần mức đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam", Đại sứ nhận định. "Việt Nam cũng sẽ có cơ hội kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác từ Ấn Độ".

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết sẽ nhanh chóng làm việc với các cơ quan, bộ ngành trong nước và sẽ thành lập nhóm Adhoc trong đại sứ quán để thúc đẩy nhanh các dự án này. Nếu các dự án này thành công, Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong top 10 tại Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Adani đã đầu tư vào 2 dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận gồm dự án điện gió tại Công ty TNHH Điện gió Adani Phước Minh với công suất 27,3 MW và dự án điện mặt trời công suất 50MW.

Nâng tầm hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ

Tổng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện ước tính đạt khoảng 1 tỷ USD, theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Tính đến tháng 4 -2021, Ấn Độ có 299 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam, với tổng số vốn lên tới gần 910 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, theo Cục Đầu tư Nước ngoài. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất chè, cà phê, công nghệ thông tin và linh kiện ôtô.

"Nếu thành công, việc tập đoàn Adani đầu tư vào Việt Nam sẽ là một đóng góp thiết thực, cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, vốn phát triển rất tốt về lĩnh vực quốc phòng và chính trị", Đại sứ đánh giá. "Thương mại song phương thời gian qua cũng gia tăng và Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong đại dịch Covid-19".

Cuối tháng 8, Ấn Độ điều tàu hải quân INS Airavat chở theo 100 tấn oxy y tế hóa lỏng và 300 máy tạo oxy tới Việt Nam, nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19. Trước đó, Ấn Độ cũng cam kết cung cấp một triệu liều thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir cho Việt Nam.

Từ mức 200 triệu USD năm 2000, kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng ổn định và đạt 11,12 tỷ USD trong năm tài khóa 2021.

Với Ấn Độ, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 toàn cầu và thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 toàn cầu của Việt Nam.

Chân dung Gautam Adani và đế chế kinh doanh khổng lồ

Gautam Adani sinh năm 1962 ở Ahmedabad, bang Gujarat. Bỏ ngang đại học từ năm thứ hai, ông Gautam đã tích lũy kinh nghiệm kinh doanh từ phân loại, môi giới bán kim cương, sản xuất nhựa cho đến mở rộng tối đa năng lực ở các lĩnh vực hậu cần, tài nguyên, năng lượng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, quốc phòng…

Tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 Châu Á

Economic Times đưa tin, ông Gautam khởi nghiệp với vị trí là trader hàng hóa vào cuối những năm 1980. Hiện vị tỷ phú người Ấn Độ đang kiểm soát gần 1/4 hoạt động hàng không ở Ấn Độ. Nguồn tài sản chính của ông đến từ hoạt động sản xuất điện, năng lượng tái tạo và vận chuyển

Tập đoàn Adani được thành lập vào năm 1988 với hoạt động kinh doanh đầu tiên là thương mại, xuất nhập khẩu và buôn bán trang sức. Tập đoàn này đã hiện diện ở trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với doanh thu hàng năm trên 15 tỷ USD.

Tại Ấn Độ, tập đoàn Adani sở hữu cảng biển Mundra tại bang Gujarat là một trong 3 cảng có lượng lưu chuyển hàng hóa lớn nhất Ấn Độ, đồng thời sở hữu 74% cổ phần tại cảng hàng không tại Trung tâm Tài chính Mumbai, một trong 2 cảng hàng không bận rộn nhất Ấn Độ, đồng thời Tập đoàn sở hữu nhiều dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, bất động sản quan trọng của Ấn Độ.

Năm 2019, Adani đã được cấp phép khai thác than tại Úc, đồng thời sở hữu các mỏ than lớn tại đây.

Theo bảng xếp hạng Forbes, ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani là vị tỷ phú giàu thứ 24 của thế giới và đứng thứ 2 ở châu Á, với tổng tài sản trị giá khoảng 74 tỷ USD.