Chân dung tân Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC

14:00 | 23/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Chí Thành sinh năm 1972, có bằng Thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản và bằng cử nhân của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định số 1772, bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Như vậy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chính thức có vị trí chủ tịch sau hơn một năm tạm trống ghế này do cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chi nhận nhiệm vụ mới tại Kho bạc Nhà nước, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Tài chính.

Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Chí Thành

Sau khi ông Chi nhận nhiệm vụ mới, từ đầu tháng 10 năm ngoái đến nay, ông Nguyễn Quốc Huy được giao tạm thời phụ trách Hội đồng thành viên SCIC.

Ông Nguyễn Chí Thành sinh năm 1972. Ông có bằng Thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản và bằng cử nhân của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Thành có thời gian làm việc tại Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông tham gia tái cơ cấu nợ nước ngoài và xây dựng chính sách ngoại hối.

Ông Thành bắt đầu làm việc tại SCIC với vai trò Phó ban Chiến lược năm 2006 và được bổ nhiệm là trưởng ban này hai năm sau đó. Từ năm 2010, ông lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Quản lý rủi ro, Giám đốc chi nhánh phía Nam của SCIC, Trưởng ban Quản lý vốn đầu tư 3.

Ngày 30/6/2015, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc SCIC, sau đó là Phó Tổng Giám đốc phụ trách của SCIC kể từ ngày 1/9/2017.

Ngày 8/5/2019, ông được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc SCIC.

Chức năng, nhiệm vụ của SCIC

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Với tư cách là tổ chức chuyên quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn của Chính phủ Việt Nam, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư tài chính, kinh doanh vốn theo những nguyên tắc, quy luật thị trường.

Ngày 30/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 992/QĐ-TTg về việc chuyển Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ của SCIC gồm:

  1. Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP.
  2. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do Tổng công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư.
  3. Tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành.
  4. Đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhà nước nắm giữ quyền chi phối.
  5. Đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
  6. Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật.
  7. Cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
  8. Thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
  9. Các nhiệm vụ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.