Công ty con của SCIC muốn thoái hết vốn tại Vinamilk
SIC đăng ký thoái toàn bộ vốn tại VNM, dự thu gần 90 tỷ
Theo văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 28/11, SIC đăng ký bán toàn bộ 1,1 triệu cổ phiếu VNM đang nắm giữ, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 1/12 đến 30/12 theo phương thức thỏa thuận/ khớp lệnh. Phía SIC cho biết mục đích của việc bán toàn bộ cổ phiếu VNM là để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Chốt phiên 28/11, cổ phiếu VNM có giá 81.700 đồng/cp. Tạm tính mức giá này, SCIC dự kiến thu về gần 90 tỷ đồng nếu thương vụ hoàn tất.
Tính đến 22/10, công ty mẹ của SIC là SCIC đang giữ vai trò cổ đông lớn nhất của Vinamilk, có quyền phủ quyết với 36% cổ phần, tương đương 752,4 triệu cổ phiếu. Giá trị thị trường của khoản đầu tư này lên tới hơn gần 61.500 tỷ đồng, lớn nhất trong danh mục của Tổng Công ty SCIC.
Ở một diễn biến khác, mới đây quỹ Platinum Victory Pte. Ltd vừa tiếp tục thông báo kế hoạch tăng sở hữu tại VNM bằng cách đăng ký mua 21 triệu cổ phiếu sau khi mua bất thành do điều kiện thị trường không thuận lợi. Hiện, quỹ này đang nắm gần 222 triệu cổ phần VNM, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,62% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu nắm giữ của quỹ này sẽ tăng lên 243 triệu, tương đương 11,62% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 16/12.
Từ đầu năm 2021 đến nay, cổ đông ngoại này cũng liên tục đăng ký gom mua vào một lượng gần 21 triệu cổ phiếu VNM, song vẫn chưa có bất kỳ giao dịch nào được ghi nhận.
VNM: Nguồn lực tài chính tốt giúp doanh nghiệp vượt qua nhiều sóng gió
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2022, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu thuần trong quý đạt 16.079 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu từ nước ngoài giảm 5,6%. Biên lãi gộp giảm hơn 1 điểm phần trăm so với quý liền trước và giảm 3,3 điểm phần trăm so với quý III/2021 do VNM vẫn đang sử dụng bột sữa nguyên liệu và đường nguyên liệu được thu mua với mức giá cao từ quý trước, dẫn tới giá vốn cao.
Sau khi trừ chi phí, lãi ròng quý III/2022 của VNM đạt 2.323 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 44.888 tỷ đồng, giảm 0,2% và lãi ròng 6.708 tỷ đồng, giảm 20,3% so với 9 tháng 2021.
Năm 2022, Vinamilk dự kiến nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56% năm 2022 và tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021. Nếu không thể vượt kế hoạch, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp đầu ngành sữa tăng trưởng lợi nhuận âm. Hiện sau 9 tháng, Vinamilk đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, tính tới 30/9, Vinamilk có tổng tài sản 51.199,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% từ đầu năm.
Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 22.402 tỷ đồng, tương đương gần 44% tổng tài sản; bao gồm: 1.904 tỷ đồng tiền mặt, 963 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 19.533 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).
Với lượng tiền mặt dồi dào, Vinamilk cũng lọt top các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt nhiều nhất tính đến hết tháng 10, sẵn sàng cho các hoạt động phát triển kinh doanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Vinamilk có khoản phải thu ngắn hạn 5.954 tỷ đồng, hàng tồn kho 5.777 tỷ đồng tính đến hết quý III/2022.
Bên kia bảng cân đối kế toán, Vinamilk ghi nhận 17.356 tỷ đồng nghĩa vụ nợ, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Trong đó 16.983 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, chỉ có 372 tỷ đồng nợ dài hạn. Khoản vay và thuê tài chính kể cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 9.478 tỷ đồng, tương đương gần 55% tổng số nợ. Vốn chủ sở hữu đến 30/9 ghi nhận 33.844 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng Vinamilk nói riêng và doanh nghiệp ngành sữa nói chung, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhập khẩu sữa nguyên liệu có thể làm tăng chi phí đầu vào trong nửa cuối năm 2022 đối với các nhà sản xuất sữa Việt Nam là những công ty nhập khẩu lượng lớn sữa nguyên liệu như Vinamilk, IDP hay TH True Milk.
Giá đường tăng cũng là một yếu tố quan trọng khác khiến chi phí đầu vào tăng vọt, kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất sữa giảm. Dù vậy, Vinamilk được nhận định sẽ ít bị ảnh hưởng từ sự tăng giá đường hơn nhờ vào việc sở hữu một công ty mía đường.
Nhằm nắm bắt tiềm năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam, VNM đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sữa tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 400 triệu lít/năm. Đây sẽ là nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc của VNM và được định hướng trở thành một siêu nhà máy sữa quy mô lớn tại Việt Nam. Dự án được chia thành 2 giai đoạn và hiện đã được tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 và sẽ đóng góp khoảng 15-20% vào doanh thu của VNM (VNDirect ước tính dựa trên công suất của Nhà máy Sữa Việt Nam là 800 triệu lít/năm). VNDirect cho rằng nhà máy mới cũng sẽ giúp VNM củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với hơn 13 nhà máy sữa trên cả nước, trong đó có 2 nhà máy lớn 1) Nhà máy Sữa Việt Nam (sản xuất sữa nước, công suất 800 triệu lít/năm), và 2) Nhà máy Sữa bột Việt Nam (sản xuất sữa bột, công suất gần 54.000 tấn/năm).