Chất lượng được cải thiện, Gạo Việt Nam đang được thu mua với giá cao

17:41 | 07/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế khi giá gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cải thiện.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp. Điều này góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm nay bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Dự kiến giá gạo Việt Nam sẽ vẫn duy trì ổn định đến cuối năm.

Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019, với trị giá 2,6 tỉ USD, tăng 8%. Philippines vẫn là thị trường đứng đầu về xuất khẩu gạo của VN chiếm 34,8% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 32,9% trong tổng kim ngạch. Indonesia và Trung Quốc là hai thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh trong năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Giá chào bán gạo 5% tấm của VN ổn định ở mức 493 - 497 USD/tấn. Nửa đầu tháng 11, lượng gạo xuất khẩu đi Philippines và Trung Quốc tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh, trong khi xuất khẩu đi châu Phi và Malaysia vẫn chưa có tín hiệu tích cực.

Khoảng 80% sản lượng gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao nên giá xuất khẩu cao hơn. Hơn nữa, Thái Lan giảm xuất khẩu do mất mùa dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng lên, kéo theo giá gạo tăng

Chất lượng được cải thiện, Gạo Việt Nam đang được thu mua với giá cao - ảnh 1

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và gần đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định khắt khe của các thị trường khó tính.

Đồng thời, góp phần tận dụng các ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực thị trường EU và RCEP. Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất.

Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân.

Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Số liệu về trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường “có yêu cầu cao về chất lượng” đã cho thấy những “tín hiệu” tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng trong các năm gần đây.

Đáng lưu ý, với các chính sách phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, các mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt nhằm nâng cao chất lượng gạo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng các vùng nguyên liệu, áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường cao cấp của không chỉ EU mà còn Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân.
 

Tạo dựng và củng cố thương hiệu gạo Việt

 

Theo các nhà chuyên môn, bước đi của hạt gạo sẽ không ổn định nếu không xây dựng một kế hoạch phát triển và tạo dựng thương hiệu sản phẩm có hiệu quả trên thị trường quốc tế. Chỉ tính riêng với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hằng năm cung cấp trên 51% sản lượng lúa và khoảng 80-90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước cũng để thấy tiềm năng gạo của nước ta lớn đến thế nào.

Chất lượng được cải thiện, Gạo Việt Nam đang được thu mua với giá cao - ảnh 2

Nhìn chung, ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá thành còn cao và giá trị gia tăng thấp. Vấn đề được đặt ra ở đây chính là việc quản lý chuỗi cung ứng gạo cũng như tính toán chuỗi giá trị gạo khu vực ĐBSCL còn nhiều hạn chế, nên giá thành và chất lượng hạt gạo làm ra còn kém sức cạnh tranh, chưa có nhãn hiệu cạnh tranh cao như gạo Thái Lan.

Đặc biệt, những hoạt động trong chuỗi cung ứng như nhà cung ứng đầu vào, người sản xuất, chế biến, phân phối, tiếp thị và tiêu dùng chưa thật sự gắn kết với nhau để xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm chất lượng ổn định, uy tín trên thị trường. Đây chính là thách thức lớn trong sản xuất và xuất khẩu gạo ra nước ngoài cũng như gạo nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Không chỉ trên thị trường thế giới, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trong nước; nhất là tại các thành phố lớn, vẫn có mặt gạo Thái Lan. Những lợi thế về chi phí lao động thấp đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, bên cạnh các yếu tố về đảm bảo chất lượng, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối... cần phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Do đó, điều cần chú trọng chính là ở cả hai vấn đề: giá và chất lượng.

Để làm được điều này, ngay từ khâu thu hoạch phải được làm tốt, chú trọng đầu tư cho khâu chế biến và công nghiệp chế biến để giảm tỷ lệ tổn thất (hiện nay tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nước ta là 13-16%, Thái Lan khoảng 7-10%), nâng cao chất lượng gạo ở Việt Nam (80% tổng lượng lúa được xay xát tại các cơ sở nhỏ không được trang bị đồng bộ về sân phơi, sấy và kho chứa, trong khi đó đối với Thái Lan có trên 90% là nhà máy quy mô lớn, được trang bị đồng bộ, nên chất lượng gạo cao hơn). Thêm vào đó, nước ta vẫn thiếu những thương hiệu mạnh về gạo, vì thế, rất cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Muốn vậy, cần tạo sự gắn kết 4 nhà bằng cách xây dựng công ty cổ phần, gồm các cổ đông là nhà nông, nhà chế biến, nhà đầu tư kinh doanh, nhà khoa học.

Không thể phủ nhận rằng, trong thời kỳ hội nhập, thương hiệu là tài sản vô hình quan trọng, là “vũ khí “ cạnh tranh bên cạnh các yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối. Chúng ta bỏ qua việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là tự mình từ bỏ một tiềm lực lớn trong nền kinh tế hội nhập.