Chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh lân cận ở mức xấu
Nồng độ bụi PM10 trung bình 1 giờ tại 34 trạm dao động 80.7 – 240.6 µg/m3 và bụi PM2.5 dao động trong khoảng 60.1 – 175.3 µg/m3. Nồng độ chỉ tiêu bụi PM10 giảm 14 – 20% và PM2.5 tăng 13.5 – 16.5% so với cùng thời điểm ngày 08:00 ngày 14/01/2021.
Chất lượng không khí khu vực Hà Nội lúc 08:00 ngày 15/01/2021 chạm ngưỡng “rất xấu”
Ngoài ra, theo kết quả quan trắc của các trạm trong khu vực miền Bắc trên Trang công bố thông tin_Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc thể hiện chất lượng không khí của các tỉnh lân cận như: Tỉnh Thái Nguyên có chất lượng không khí chạm ngưỡng “Rất xấu” (210); Tỉnh Bắc Ninh chất lượng không khí chạm ngưỡng “Nguy hại” tại 1 điểm với AQI = 305, 4 điểm chất lượng không khí chạm ngưỡng “Rất xấu” – AQI dao động trong khoảng 210 – 268. Chất lượng không khí suy giảm chung trong cả khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ.
Chất lượng không khí trong cả khu vực miền Bắc lúc 08:00 ngày 15/01/2021 xuất hiện mức “Nguy hại”
Nồng độ bụi tăng cao khiến chất lượng không khí chạm ngưỡng “Xấu” là do nhiều nguyên nhân, trong đó điều kiện thời tiết là nguyên nhân giữ vai trò quan trọng. Điều kiện thời tiết tương tự hôm qua ngày 14/1: trời lặng gió, tốc độ gió thấp (từ 0.1 – 1.2 m/s), nhiệt độ thấp từ 14℃ đến 17℃, độ ẩm cao 70 – 90% khiến sương mù dày đặc. Điều kiện khí tượng gây bất lợi cho việc khuếch tán khí thải từ hoạt động giao thông (đặc biệt trong giờ cao điểm, lượng phương tiện giao thông tăng), xây dựng, sinh hoạt, …
Chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục được cảnh báo rất xấu.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ Văn quốc gia trưa chiều nay có khả năng không có nắng, nhiệt độ tiếp tục ở mức thấp, thời tiết lạnh, nồng độ chất ô nhiễm có thể tiếp tục ở mức cao hoặc gia tăng, chất lượng không khí dự kiến tiếp tục ở ngưỡng báo động, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Như vậy, trong tình trạng chất lượng không khí đã chạm ngưỡng “Xấu” như hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp Hà Nội khuyến cáo: tất cả mọi người cần giảm và hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều trong nhà.
Đặc biệt người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp, tim mạch: nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài. Nên lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc các phương tiên có che chắn. Khi tham gia giao thông nên tuân thủ sự điều phối của cơ quan chức năng, tránh hiện tượng ùn tắc.
Minh Thư