Chênh lệch cho vay và huy động tại các ngân hàng diễn biến ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Thống kê từ BCTC quý II/2023 của 27 ngân hàng TMCP (không bao gồm Agribank) cho thấy dẫn đầu BXH ngân hàng có dư nợ tín dụng cao nhất tính đến 30/6/2023 tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng có dư nợ lớn nhất toàn hệ thống với gần 1,63 triệu tỷ đồng, tăng từ 1,52 triệu tỷ hồi đầu năm (tức tăng 7%). Tiếp sau đó là VietinBank với 1,36 triệu tỷ (tăng 6,6% so với đầu năm) và Vietcombank với 1,18 triệu tỷ (tăng 2,9%).
Cũng góp mặt trong top 10 nhà băng có dư nợ tín dụng cao nhất toàn hệ thống là MBBank với 518 nghìn tỷ, VPBank với 489 nghìn tỷ, Techcombank với 467 nghìn tỷ, Sacombank với 460 nghìn tỷ, ACB với 434 nghìn tỷ, SHB với 408 nghìn tỷ và HDBank với 287 nghìn tỷ.
Riêng dư nợ tín dụng của 10 ngân hàng này đã đạt tới 7,23 triệu tỷ, tương đương 79% tổng dư nợ tín dụng của 27 ngân hàng TMCP được thống kê.
Về phía huy động, các ngân hàng góp mặt trong top 10 dư nợ cho vay nhiều nhất hệ thống tính đến 30/6/2023 cũng đồng thời là những ngân hàng trong top 10 tiền gửi khách hàng nhiều nhất, dù thứ tự có nhiều biến động.
Chẳng hạn, top 3 ngân hàng có huy động tiền gửi khách hàng lớn nhất tính đến 30/6/2023 vẫn là 3 cái tên BIDV, Vietcombank và Vietinbank với huy động tiền gửi tại BIDV đạt gần 1,55 triệu tỷ (tăng 4,9% so với đầu năm), Vietcombank là gần 1,33 triệu tỷ (tăng 6,7%) và VietinBank đạt 1,31 triệu tỷ (tăng 4,9%).
Đáng chú ý, một số ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng vọt so với đầu năm như HDBank (tăng 43,5% lên gần 310 nghìn tỷ), VPBank (tăng gần 28% lên 388 nghìn tỷ), VietABank (tăng gần 20% lên 84 nghìn tỷ), Kien Long Bank (tăng 17% lên 61 nghìn tỷ)...
Trong khi mức tăng trưởng tín dụng bình quân tại 27 ngân hàng trong thống kê (so với thời điểm đầu năm) chỉ đạt 6,6%, thì tăng trưởng huy động bình quân ước tính khoảng 9,2%.
Cũng theo tính toán dựa trên BCTC quý II/2023 của 27 ngân hàng TMCP, tính đến hết quý II, tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân của các ngân hàng này hiện ở mức khoảng 98,8% so với mức hơn 99% hồi hết quý I trong bối cảnh huy động tiền gửi tăng nhanh hơn tín dụng.
Trong đó, có những ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng khá cao nhưng đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm và kết thúc quý I do huy động tiền gửi tăng. Chẳng hạn, VPBank với tỷ lệ đạt khoảng 126% so với mức 140% hồi kết thúc quý I và 145% hồi đầu năm, HDBank (93% so với 122% hồi đầu năm), SHB (99,5% so với gần 107% hồi đầu năm)...