Thị trường bất động sản năm 2022 nhiều tín hiệu sáng
Vietnam Report: Nhiều lực đẩy tăng trưởng cho thị trường BĐS 2022
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, thị trường bất động sản năm 2022 được đánh giá đang có dấu hiệu phục hồi và phát triển tích cực với những gam màu tươi sáng hơn năm 2021, dần quay trở lại quỹ đạo trước đại dịch COVID-19.
Cụ thể, khảo sát cho biết có nhiều động lực để ngành bất động sản lấy lại đà tăng trưởng trong phần còn lại của năm, khi các công ty tái cấu trúc hoạt động và phục hồi hậu đại dịch.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ chuẩn bị được triển khai - đặc biệt là hiệu ứng tích cực xoay quanh gói đầu tư công. Trong ngắn hạn, gói kích thích kinh tế của Chính phủ dù được rót vào khu vực nào cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho thị trường bất động sản, góp phần cải thiện sức mua của người dân nói chung và tạo lực đẩy giúp thị trường bất động sản bật tăng sau thời gian dài bị kìm nén trong dịch.
Đồng thời, 113,85 nghìn tỷ đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ cũng dự kiến sẽ tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản trong ngắn hạn và trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường trong những năm tới.
Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tín hiệu sáng từ dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam và lượng kiều hối ổn định cũng là những thúc đẩy động lực tăng trưởng trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh những động lực thúc đẩy tăng trưởng, thị trường bất động sản Việt Nam năm nay được dự báo cũng phải đối diện nhiều thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều lực cản do áp lực lạm phát và sự gia tăng ca nhiễm mới COVID-19.
Mặc dù chiến sự Nga - Ukraine không gây nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam do thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với cả hai quốc gia nói trên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng gián tiếp là rất đáng kể. Giá năng lượng và nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh làm tăng áp lực nhập khẩu lạm phát tại Việt Nam.
Nếu nói riêng ảnh hưởng với thị trường bất động sản, giá thế giới của các loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, vận chuyển… tăng làm tăng giá đầu vào thị trường bất động sản, có khả năng dẫn đến sự điều chỉnh giá thuê, mua bất động sản. Nhìn lại năm 2021, giá thành nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép và xi măng tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng khoảng 10%-15% so với năm 2020.
Một quan ngại khác của giới chuyên gia là trong kịch bản lạm phát vượt mức mục tiêu, lãi suất cho vay tăng lên có thể gây tác động ngược, đưa thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng. Dù trong kịch bản này, mức giá bất động sản được nhận định sẽ không giảm mạnh như giai đoạn 2011-2013 do sự điều tiết nhịp nhàng, ổn định hơn của Chính phủ nhưng doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro khi tỷ trọng vốn vay cho đầu tư bất động sản là khá lớn.
Nhìn chung, khảo sát của Vietnam Report về mức biến động giá trung bình trong năm 2022 cho thấy đất nền là phân khúc có khả năng tăng giá cao nhất trong năm.
Cụ thể, phân khúc đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ có khả năng cao tăng giá trong khoảng 11%-20% so với năm 2021. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp, văn phòng cho thuê dự kiến tăng giá trung bình từ 5%-10%.
Khả năng "sốt giá" ở một số phân khúc
Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá triển vọng thị trường bất động sản năm 2022 là sáng sủa bất chấp một số rủi ro kinh tế như lạm phát hay bất ổn địa chính trị thế giới.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho hay: “Tôi cho rằng năm 2022 nhiều khả năng sẽ là năm chứng kiến sự sốt giá của một số phân khúc bất động sản. Thực tế ngay từ cuối năm 2021, sau khoảng thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi trong quý IV. Tất nhiên mức độ phục hồi của từng phân khúc rất khác nhau”.
Ông Lê Xuân Nghĩa lý giải rằng trong năm 2022, về phía cung, lực cung thị trường bất động sản dự kiến sẽ được cải thiện cùng với đà bình thường hóa hoàn toàn nền kinh tế. Về phía cầu, lực cầu tiếp tục duy trì, thậm chí mạnh hơn khi các gói kích thích kinh tế của Chính phủ có hiệu lực.
“Việc tăng tốc giải ngân đầu tư công dự kiến cũng sẽ tạo động lực đáng kể cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp”, TS. Nghĩa nhận định.
Đồng quan điểm giá một số phân khúc bất động sản tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, ông Nguyễn Thế Điệp (Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội) chỉ ra hai nguyên nhân: “Nguyên nhân đầu tiên, giai đoạn này là cao điểm của đô thị hóa. Thứ hai, trong thời gian qua, các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM được cấp rất ít dự án, dẫn đến thâm hụt nguồn cung".
Vị này đề xuất: “Rất cần khắc phục sự mất cân bằng cung - cầu bằng cách tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tiếp cận dự án, tạo điều kiện nguồn lực tốt nhất cho nhà đầu tư phát triển dự án. Phải cởi trói cơ chế, rót nguồn lực, tạo điều kiện những phân khúc cần thiết như chung cư giá rẻ, nhà ở xã hội… Đây là giải pháp căn cơ với cả thị trường bất động sản để ổn định về nguồn cung, từ đó ổn định giá và bình ổn thị trường trong dài hạn”.