Chiết Giang, Trung Quốc: Cứ 8 người lại có 1 người làm sếp

14:14 | 28/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Cục Giám sát thị trường tỉnh, tính đến cuối tháng 3, tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Chiết Giang đạt 8.159.700, bao gồm 2.118.500 doanh nghiệp và 5.182.700 hộ kinh doanh cá thể.

Mới đây, thị trưởng tỉnh Chiết Giang Trịnh Sách Khiết đã tham dự cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại tỉnh Chiết Giang nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại họp báo, ông Trịnh Sách Khiết cho biết: "Đến cuối tháng 3, có 8,16 triệu tổ chức thị trường ở Chiết Giang. Đối chiếu với dân số khu vực thì cứ 8 người, lại có 1 người ở Chiết Giang làm chủ. Theo giám sát thị trường trong quý đầu tiên (Quý I), số lượng doanh nghiệp đăng ký tại Chiết Giang nhiều gấp đôi số lượng hủy bỏ, số lượng doanh nghiệp cá nhân đăng ký cũng nhiều hơn".

Tờ The Paper cho biết, các chủ thể thị trường chủ yếu là các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, bên cạnh các hợp tác xã chuyên nghiệp của nông dân. Theo số liệu thống kê của Cục Giám sát thị trường tỉnh, tính đến cuối tháng 3, tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Chiết Giang đạt 8.159.700, bao gồm 2.118.500 doanh nghiệp và 5.182.700 hộ kinh doanh cá thể.

Chiết Giang, Trung Quốc: Cứ 8 người lại có 1 người làm sếp - ảnh 1

Ảnh minh họa

Trong quý đầu tiên, Chiết Giang đã thành lập 359.500 tổ chức thị trường mới, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào cuối năm 2019, Chiết Giang có dân số thường trú là 58,5 triệu người.

Có thể hiểu rằng tỉnh Chiết Giang có môi trường rất tốt cho sự phát triển thương mại điện tử và công nghệ mới trên toàn Trung Quốc, điều này cũng dẫn đến việc các thương gia, doanh nhân mới lần lượt gia nhập hệ sinh thái này. Trong số đó, trụ sở của Alibaba, một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất đại lục, được đặt tại Chiết Giang, đồng thời cũng là nơi tập hợp dữ liệu lớn và các ngành công nghệ cao ở khu vực xung quanh.

Ngoài ra, thành phố Nghĩa Ô ở Chiết Giang còn là thủ phủ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được mua bán, giao dịch ở Nghĩa Ô.

Ông Trịnh Sách Khiết cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký ở tỉnh Chiết Giang cao hơn gấp đôi số lượng doanh nghiệp hủy bỏ, số lượng hộ kinh doanh cá thể cũng nhiều hơn số bị hủy bỏ, điều này chứng tỏ sức sống của các doanh nghiệp ngày càng lớn. Chất lượng nâng cao và sự thuận tiện trong công việc cũng liên tục được cải thiện giúp các doanh nghiệp có thể kinh doanh có lãi nhanh hơn.

Chiết Giang cũng đã thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Hiện tại, tỷ lệ mạng lưới các doanh nghiệp ở tỉnh đạt 98,4%.

Xem thêm: Tại sao Trung Quốc thu hút đầu tư toàn cầu trong bối cảnh đại dịch chưa tan?

Tùy Ý