Chính sách thắt chặt của Fed phát huy tác dụng hạ nhiệt kinh tế Mỹ

Thanh Hải/ TTXVN 17:01 | 13/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trang mạng it.investing.com ngày 12/7 có đăng bài phân tích đánh giá về việc "thể trạng" nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh nhưng đang có dấu hiệu giảm tốc.

 

Nền kinh tế vẫn vững ổn...

Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng việc làm trong tháng Sáu, nhưng với tốc độ chậm hơn, sau khi tăng mạnh trong tháng trước đó. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp giảm và tiền lương tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 209.000 việc làm trong tháng 6/2023, mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2020 và thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó là 225.000 việc làm. Số liệu của tháng Năm cũng được điều chỉnh giảm xuống, với số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 306.000 việc làm, thay vì 339.000 việc làm như báo cáo trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6% từ mức 3,7% trong tháng Năm.

Trong khi đó, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động tiếp tục tăng 0,4% trong tháng Sáu, sau khi tăng với mức tương tự trong tháng Năm. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương của người lao động Mỹ đã tăng 4,4% trong tháng 6/2023, tương đương với mức tăng của tháng trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương hàng năm vẫn cao hơn nhiều mức 3,5%, mức được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem là phù hợp để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Các công ty cũng đang tìm cách giữ chân nhân viên sau khi trải qua tình trạng thiếu lao động trầm trọng, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 vào năm 2021 và đầu năm 2022.

Các nhà kinh tế dự báo, mặc dù các doanh nghiệp hiện đang hài lòng với việc tiếp tục tuyển dụng người lao động, nhưng điều này có thể thay đổi khi chi tiêu tiêu dùng chậm lại khiến lợi nhuận bắt đầu giảm và các đợt sa thải lớn có thể xảy ra.

Ngoài ra, theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của nước này đã tăng vừa phải trong tuần tính đến ngày 1/7, với mức tăng 12.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa) lên 248.000 đơn, cao hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó là 245.000 đơn. Trong khi đó, báo cáo của công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực ADP cũng cho thấy việc làm trong khu vực tư nhân đã tăng 497.000 việc làm trong tháng 6/2023, sau khi tăng 267.000 việc làm trong tháng 5/2023.  

Các số liệu nói trên cho thấy thị trường lao động vẫn vững chắc bất chấp việc Fed tăng lãi suất tổng cộng 500 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022. “Sức khỏe” của thị trường lao động Mỹ còn được khẳng định bởi báo cáo của công ty cung cấp việc làm toàn cầu Challenger, Grey & Christmas hôm 6/7 cho thấy các nhà tuyển dụng có trụ sở tại Mỹ chỉ thông báo cắt giảm 40.709 việc làm trong tháng 6/2023, giảm 49% so với tháng 5/2023.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường lao động vững chắc nhiều khả năng sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7/2023, sau khi tạm dừng trong tháng 6/2023.

Thị trường lao động tương đối lành mạnh như trên có khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung. Người tiêu dùng thường thoải mái chi tiêu hơn khi họ có đầy đủ việc làm và cảm thấy an toàn tại nơi làm việc. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới, đặc biệt là trong những tháng mùa Hè khi nhu cầu đi lại và giải trí vẫn cao. Nhưng tình hình này có thể bắt đầu hạ nhiệt sau đó, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tiếp tục mở rộng với tốc độ mạnh mẽ hơn vào tháng Sáu, với chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ của Viện quản lý nguồn cung (ISM) tăng từ 50,3 điểm trong tháng Năm lên 53,9 điểm trong tháng Sáu. Số liệu này vượt mức kỳ vọng của thị trường là 51 điểm. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng.

Trong khi đó, cũng theo khảo sát của ISM, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng Sáu đã giảm từ mức 46,9 điểm của tháng Năm xuống 46 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, đánh dấu tám tháng giảm liên tiếp.

Lãi suất cao bắt đầu phát huy tác dụng hạ nhiệt nền kinh tế

Nhìn chung, các thị trường tiếp tục xem thị trường lao động mạnh mẽ và nhu cầu vững chắc đối với dịch vụ là dấu hiệu cho thấy Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng Bảy, đưa lãi suất lên khoảng 5,25% - 5,5%.

Theo báo cáo Beige Book được Fed công bố ngày 12/7, hoạt động kinh tế của nước này đã tăng nhẹ trong những tuần gần đây và tốc độ tăng trưởng chậm có thể tiếp tục duy trì trong những tháng tới.

Báo cáo Beige Book mới nhất, được Fed tập hợp từ kết quả khảo sát của 12 chi nhánh ngân hàng trung ương khu vực tính đến ngày 30/6, cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ nói chung tăng nhẹ kể từ cuối tháng 5/2023, trong đó 5 khu vực ghi nhận sự tăng trưởng, 5 khu vực không có sự thay đổi và 2 khu vực giảm nhẹ. Fed cũng kỳ vọng tổng thể nền kinh tế trong những tháng tới nhìn chung sẽ tăng trưởng chậm lại.

Các số liệu khác trong báo cáo cũng phần lớn phù hợp với các dữ liệu gần đây cho thấy áp lực tăng giá đang giảm dần, trong đó giá cả tổng thể tăng nhẹ và một số khu vực ghi nhận tốc độ tăng giá chậm lại. Trong báo cáo, Fed kỳ vọng giá cả sẽ ổn định hoặc thấp hơn trong vài tháng tới.

Việc làm cũng được báo cáo là tiếp tục tăng trưởng nhẹ, trong đó một số khu vực cho thấy tăng trưởng tiền lương vẫn cao hơn mức mà các nhà hoạch định chính sách của Fed tin là phù hợp để kiềm chế lạm phát.

Trong báo cáo, Fed chi nhánh Richmond cho biết các nhà sản xuất trong khu vực cơ quan này theo dõi đã ghi nhận những tác động của lãi suất tăng đối với hoạt động kinh tế và sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng, dẫn đến số lượng đơn đặt hàng mới giảm và trong một số trường hợp, lượng hàng tồn kho gia tăng. Trong khi đó, ở khu vực ngoại ô New York, các đại lý ô tô cho biết doanh số bán xe mới tăng mạnh do nhu cầu ở mức cao được thỏa mãn bởi lượng hàng tồn dồi dào.

Báo cáo cũng nêu ra những thách thức mà lĩnh vực bất động sản thương mại đang phải đối mặt sau đại dịch COVID-19. Nhiều nhân viên văn phòng chuyển sang hình thức làm việc tại nhà đã làm đảo lộn thị trường văn phòng cho thuê và lĩnh vực tài chính có thể phải đối mặt với những thách thức thời gian tới. Fed chi nhánh New York lưu ý thị trường bất động sản thương mại hầu như không thay đổi, trong khi tỷ lệ văn phòng trống liên tục ở mức cao. Chi nhánh này cũng cho biết các điều kiện trong lĩnh vực tài chính nói chung tiếp tục xấu đi, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với những tháng gần đây.

Báo cáo Beige Book được Fed công bố hai tuần trước khi cơ quan này đưa ra quyết định về chính sách lãi suất và chỉ vài giờ sau khi các số liệu mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố cho thấy lạm phát của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Bộ Lao động Mỹ ngày 12/7 công bố số liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng tại nước này trong tháng Sáu đã giảm xuống 0,3%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Trong một tín hiệu tích cực khác, chỉ số CPI cốt lõi, không tính giá các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ tăng 0,2% trong tháng Sáu so với tháng trước đó, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021.

Trong một báo cáo mới đây, công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics cho rằng dù có quá nhiều quan chức Fed đã nói rõ quan điểm rằng cần phải tiếp tục tăng lãi suất, cho thấy khả năng cao sẽ có một đợt nâng lãi suất trong tháng này, nhưng báo cáo CPI khả quan nói trên có thể làm thay đổi khả năng xảy ra một đợt tăng nữa vào tháng Chín