Chủ tịch Bùi Đức Thịnh và hành trình gây dựng cơ ngơi May Sông Hồng nghìn tỷ từ con số không
Ông Bùi Đức Thịnh là Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng, một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu Việt Nam
Chủ tịch Bùi Đức Thịnh là ai?
Chủ tịch Bùi Đức Thịnh sinh ngày 8/9/1947 tại Nam Hà, Nam Định. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân ngành kinh tế nhưng lại dành phần lớn thời gian tuổi trẻ trong quân ngũ. Trưởng thành từ một người lính thuộc binh chủng tên lửa, ông xuất ngũ năm 1974 và bắt đầu hoạt động đoàn thể rồi tham gia công tác chính trị ở quê nhà.
Đến năm 1988 cũng là thời điểm đất nước vừa bắt đầu đổi mới, ông được nhận một nhiệm vụ quan trọng là thành lập và quản lý xí nghiệp may 1-7, tiền thân của May Sông Hồng. Tình trạng những ngày đầu của công ty May Sông Hồng quả thực rất nan giải khi 'xuất thân" là một doanh nghiệp Nhà nước với chỉ có mấy chục chiếc máy may đạp chân, chẳng đồng vốn dự trữ.
Chân dung chủ tịch Bùi Đức Thịnh
Chủ tịch Bùi Đức Thịnh và những người đồng nghiệp khác đã phải gây dựng cơ ngơi nghìn tỷ như ngày hôm này từ con số 0 tròn trĩnh. Không vốn, không đất đai để xây dựng nhà xưởng, không công nghệ, thiếu cả nhân lực và thị trường.
Với tinh thần quyết tâm của một "doanh nhân xuất thân từ người lính", ông Đức Thịnh đã tìm được một tia hy vọng nhỏ nhoi giúp May Sông Hồng vượt qua nghịch cảnh. Giữa cảnh nhà xưởng để không trong sự bế tắc trầm trọng của đội ngũ lãnh đạo, cơ may đã giúp ông Thịnh gặp được một doanh nhân đứng tuổi người Đài Loan tên Jimmy Fu, người đã có công đưa ông Thịnh sang Hong Kong, Đài Loan, Thẩm Quyến để tìm hiểu thiết bị, công nghệ và nguyên liệu ngành may.
Một trong những xưởng may của công ty Sông Hồng
Tại nơi xứ người, bí mật về việc sản xuất chăn đệm - lớp vỏ bọc khiến các doanh nhân nước ngoài thu lợi khủng khiếp ở thị trường Việt Nam đã được hé lộ và từ đó định hướng cho May Sông Hồng vượt khó đã được ông Thịnh quyết định.
Hành trình gây dựng cơ ngơi nghìn tỷ của chủ tịch Bùi Đức Thịnh
Những năm 97, 98 là thời điểm cả nước chỉ có 6, 7 xưởng sản xuất bông, chủ yếu là của nước ngoài. Không chấp nhận thua kém, dù bị đối tác bội ước, ông Bùi Đức Thịnh và ban lãnh đạo công ty vẫn kiên quyết thành lập xưởng sản xuất bông đầu tiên do người Việt làm chủ. Chiếc chăn đầu tiên của Sông Hồng ra mắt vào mùa đông năm 2001, mang theo những khát vọng lớn lao của doanh nhân Việt.
Với quy mô ban đầu chỉ có 3 xưởng may cùng 1500 công nhân, chỉ sau 3 năm sản xuất, May Sông Hồng đã phát triển thành 6 xưởng may, đưa tổng số cán bộ công nhân viên lên 3600 người. Chiến lược tập trung đầu tư đúng chuyên ngành may mặc xuất khẩu, chăn ga gối đệm cùng với uy tín lâu năm, được tin dùng trên toàn quốc và nhiều nước trên thế giới, chính là đòn bẩy để May Sông Hồng phát triển vững chắc.
Số lượng xưởng và nhân công của May Sông Hồng tăng mạnh theo năm
Hậu cổ phần hóa, số xưởng may và công nhân dần tăng theo cấp số nhân và tính tới thời điểm hiện tại, May Sông Hồng đã cán mốc 11.000 công nhân viên với 18 xưởng may. Sau hơn 30 năm phát triển và đổi mới không ngừng, từ một doanh nghiệp nhỏ bé, May Sông Hồng đã trở thành một đế chế hùng hậu.
Bên cạnh những sản phẩm chăn ga gối đệm sản xuất nội địa với chất lượng cao, giá thành hợp lý, May Sông Hồng còn là đối tác chiến lược của nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Nike, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, DKNY, Bugatti…
Định hướng của chủ tịch Bùi Đức Thịnh đã giúp May Sông Hồng phát triển đúng hướng
Về xuất khẩu, theo ông Thịnh, thế mạnh chủ lực của công ty là hàng may mặc thời trang xuất khẩu. Ngoài ra các nhãn hàng chăn, ga, gối, đệm vốn phục vụ thị trường nội địa từ những năm 90 đến nay cũng đã vươn ra quốc tế. Nhiều mặt hàng chất lượng cao của May Sông Hồng hiện được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Canada, Mexico và các nước Trung Đông.
Thống kê từ Công ty CP may Sông Hồng, trung bình mỗi năm, công ty phải vận chuyển 3.500 container với 7.300 chuyến xe ô tô, tương ứng với 120.000 tấn hàng hoá và với số lượng chứng từ phải xử lý hàng năm khoảng hơn 10.000 bộ.
Năm 2018 là dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập, cũng là thời điểm May Sông Hồng chuẩn bị lên sàn HOSE.
Sự kiện May Sông Hồng lên sàn HOSE năm 2018
Cũng nhờ tăng cường hoạt động xuất khẩu mà trong những năm qua, May Sông Hồng luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2017, công ty ghi nhận doanh thu 3.280 tỷ đồng; đến năm 2018 đạt 3.950 tỷ đồng và năm 2019 đạt 4.400 tỷ đồng. Về xuất khẩu hàng hoá, hiện tại công ty đang sản xuất các mặt hàng may mặc theo phương thức (FOB) tức là mua nguyên liệu, bán thành phẩm trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu.
Trong năm 2020 khi dịch COVID-19 càn quét, doanh thu May Sông Hồng phải chứng kiến sự sụt giảm đáng tiếc nhưng chủ tịch Bùi Đức Thịnh và ban lãnh đạo đã sớm có những định hướng trong năm mới giúp công ty vượt qua nghịch cảnh. Cụ thể trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến tăng giá trị đơn hàng của Walmart lên 10 triệu USD, so với 2 triệu USD của năm 2020. Nhà máy SH10 cũng sẽ gia tăng công suất lên 35% trong năm 2021.
Triết lý kinh doanh từ đạo Phật
Mang cái tên rất Việt Nam, thương hiệu chăn ga gối đệm Sông Hồng ẩn chứa lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Và đó cũng là triết lý kinh doanh đặt chữ tâm thiện lành của đạo Phật lên hàng đầu của nhà lãnh đạo Bùi Đức Thịnh.
Chủ tịch Bùi Đức Thịnh định hướng kinh doanh theo triết lý từ nhà Phật
Ông cho rằng: ''Làm doanh nghiệp, nếu không tính toán lời lãi, thì e chẳng thực lòng, nhưng nếu quá cao trên lưng đồng bào của mình thì ắt hẳn Đạo Trời chẳng thuận''.
Thanh Thùy
Xem thêm: Chủ tịch Bùi Thành Nhơn: Từ ông chủ ngành thuốc thú y tới tỷ phú dẫn đầu đế chế bất động sản