Chủ tịch Chứng khoán SBS: 'Thanh lọc' là tất yếu, gần 2.000 đơn vị niêm yết trong tổng số 800.000 DN là bình thường

Trang Mai 14:25 | 19/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS với phóng viên bên lề tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/7 tại Hà Nội.

Theo số liệu tại tọa đàm, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 30/6 đạt gần 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022.

Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng). Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2023 là 1.600 doanh nghiệp HOSE (403 doanh nghiệp), HNX (332 doanh nghiệp) và UPCoM (865 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.

Năm 2022 ghi nhận khoảng 54 mã cổ phiếu mới được bổ sung trên cả 3 sàn giao dịch. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu rút khỏi thị trường năm 2022 cũng cao vượt trội hơn số lên sàn khiến tổng doanh nghiệp đăng ký trên 3 sàn giảm hơn 40 đơn vị so với năm 2021.

Thậm chí, từ đầu năm 2023 đến nay, tại HOSE có duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương và dự kiến có thêm 2 mã đang chuẩn bị lên trong tháng 7-8 này là ADP của Sơn Á Đông và SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG. Cả ba mã đều chuyển từ UPCoM sang.

Sàn HNX cũng chỉ ghi nhận 3 “tân binh” là DTG của Dược phẩm Tipharco, PPT của Petro Times và KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV lên sàn trong 6 tháng đầu năm.

Đối với UPCoM là 3 doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch là GPC của Tập đoàn Green+, VMT của Giao nhận Vận tải miền Trung, VNZ của VNG. Ngược lại, có 22 doanh nghiệp bị chuyển từ sàn HNX xuống UPCoM do hoạt động kinh doanh sa sút, nhiều năm thua lỗ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán phải là kênh vốn hữu hiệu, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Đồng thời, việc tham gia thị trường chứng khoán khi đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu…

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường...

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen. Mà tôi cho rằng, mảng tối dường như chiếm ưu thế. Trong bối cảnh đó, thực tế sau 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ "đếm trên đầu ngón tay", rất hạn chế chỉ với một vài doanh nghiệp. Nguyên nhân sâu xa đến từ cả sự chủ quan, lẫn khách quan.” - ông Huỳnh nhận định. 

 Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS. Ảnh: Trang Mai

 

Về nguyên nhân, Chủ tịch HĐQT SBS cho rằng trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, với một thị trường chứng khoán non trẻ hơn 20 năm tuổi, chúng ta phải chấp nhận có những bước đi "chập chững" trước khi hoàn thiện bản thân, tìm đến sự bứt phá dài hơi...

“Bản thân tôi, là một người theo dõi và tham gia thị trường chứng khoán từ nhiều năm trước. Tôi quan niệm thị trường chứng khoán là "chợ", có người mua và có người bán, và cũng có người "tử tế" lẫn người "không tử tế".

Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS

Hiện, thanh khoản thị trường chứng khoán còn thấp, là hệ quả sau thời kỳ dịch bệnh, suy thoái thẩm thấp vào nền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam là nền kinh tế hội nhập rất sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, vì vậy khi các quốc gia lớn như Anh, Mỹ... xảy ra tình trạng lạm phát lên đến 10% thì chúng ta cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy.

Trao đổi với phóng viên về con số gần 2.000 doanh nghiệp niêm yết trong tổng số 800.000 doanh nghiệp ở Việt Nam, vị chuyên gia khẳng định: “Không có gì bất thường. Hiện nay tỷ lệ số doanh nghiệp lên sàn và tỷ lệ dân số mở tài khoản đạt 7%. So với các nước Châu Âu đã có cả trăm năm lịch sử, chúng ta chỉ vài chục năm thì số lượng doanh nghiệp lên sàn như vậy là hoàn toàn bình thường”. Đồng thời, vị chuyên gia kỳ vọng rằng thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ lên sàn chứng khoán sau khi vượt qua đà suy thoái. 

Nói thêm về những giải pháp căn cơ thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, Chủ tịch HĐQT SBS cho biết: “Không phải doanh nghiệp nào cũng ngại lên sàn, nhưng cũng có đơn vị lên rồi lại xuống. Về mấu chốt, theo quy định là doanh nghiệp muốn lên sàn thì cần sự về hoạt động, chi tiêu, tài chính, thuế, lợi nhuận,... và phải báo cáo định kỳ. Nếu như đơn vị nào xác định mình hoạt động minh bạch để đưa hàng hoá, cổ phiếu lên sàn nhà đầu tư giao dịch huy động vốn thì đó là một định hướng rất đúng.

Trao đổi về những giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, ông Võ Thanh Tuấn, Trưởng phòng đăng ký chứng khoán - VSD cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ về các mốc thời gian trong quá trình niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường. “Theo quy định, kể từ ngày UBCKNN xác nhận doanh nghiệp là công ty đại chúng, trong vòng 15 ngày kế tiếp doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký tại VSD và 15 ngày tiếp theo phải thực hiện trên sàn UPCoM.

Sau hai năm đăng ký giao dịch trên Upcom, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết có thể niêm yết trên sàn HNX hoặc HOSE. Đối với công ty đại chúng lần đầu chào bán ra công chúng thành công có thể niêm yết ngay nếu đủ điều kiện. Trên cơ sở các quy định và thời hạn đăng ký, các doanh nghiệp có thể chuẩn bị lộ trình cho việc niêm yết” - ông Tuấn thông tin. 

Còn theo ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.