Lo sợ rủi ro khi đầu tư BĐS, chứng khoán, người dân tiếp tục tăng gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất giảm mạnh
Lãi suất giảm, người dân vẫn gửi thêm tiền vào ngân hàng
Trong những tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã giảm đáng kể tuy nhiên tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tiếp tục tăng mạnh.
Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), trong 4 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng (TCTD) sụt giảm tới 5,02% so với thời điểm cuối năm 2022 song lại được bù đắp bởi nguồn tiền gửi dân cư tăng mạnh tới 7,96%.
Kể từ đầu năm tới nay, tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng đã vượt qua các tổ chức kinh tế, đảo ngược xu hướng đã diễn ra kể từ cuối năm 2021. Trong khi người dân đổ thêm 467.806 tỷ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2023, các tổ chức kinh tế lại rút ra khoảng 298.790 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 4, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại TCTD đạt 5,6 triệu tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, lượng tiền của dân cư gửi vào hệ thống ngân hàng trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp đôi.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến người dân tiếp tục đổ tiền vào hệ thống ngân hàng khi lãi suất giảm, và vì sao các doanh nghiệp lại rút bớt tiền ra?
"Đơn giản là người dân bây giờ không thấy tin tưởng vào các kênh đầu tư khác", Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định về hiện tượng này.
Ông Hiển giải thích trong giai đoạn này, người dân sẽ không lựa chọn các kênh đầu tư nhưchứng khoán, bất động sản. Kênh đầu tư thứ ba là mở quán cà phê, mở xưởng sản xuất nhỏ hay cùng nhau làm ăn,... thì họ cũng không thấy triển vọng.
"Nhìn chung, trong giai đoạn khó khăn, người dân sẽ đều đổ tiền vào ngân hàng. Ở các nước phải triển, họ có thể mua trái phiếu chính phủ còn ở Việt Nam thì không có kênh đó nên người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng", ông nói.
Theo ông, khi kinh tế càng đi xuống, làm ăn càng khó khăn thì lãi suất sẽ càng giảm nhưng dù cho lãi suất giảm và gửi tiền không sinh lời nhiều như trước, người dân cũng vẫn lo lắng, không dám làm ăn và sẽ tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng.
Các doanh nghiệp đang thiếu tiền
Về vấn đề tiền gửi của các TCKT sụt giảm trong những tháng vừa qua, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết nguyên nhân là các doanh nghiệp đang thiếu tiền.
Trước kia, doanh nghiệp dùng ngân hàng như một kênh để cất trữ tiền. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm nay làm ăn ngày càng khó khăn và doanh nghiệp phải rút tiền ra để trang trải chi phí, nên tiền gửi đã giảm xuống. Đặc biệt, từ tháng 10/2022 thì tình hình càng căng thẳng hơn và doanh nghiệp phải tiếp tục rút tiền mạnh hơn để chi tiêu.
Dòng tiền gửi dân cư sẽ không sớm ra khỏi hệ thống ngân hàng
Theo TS. Đinh Thế Hiển, do tình hình nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều sóng gió, người dân vẫn sẽ lựa chọn kênh tiền gửi, thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay sản xuất, kinh doanh.
Ông Hiển cho biết, ở Mỹ, trong thời điểm kinh tế khó khăn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất. Ví dụ, vào thời điểm những năm 2010, Fed đã đẩy lãi suất xuống gần 0%, việc cắt giảm lãi suất liên tục sẽ kích thích nền kinh tế.
Theo ông, trên lý thuyết, nếu Việt Nam cắt giảm lãi suất, người dân cũng sẽ đổ tiền ra để làm ăn nhiều hơn nhưng thực tế Việt Nam hiện nay không phải nền kinh tế năng động như Mỹ. Trong 10 năm gần đây, các kênh đầu tư quen thuộc nhất ở Việt Nam là bất động sản, sau đó tới chứng khoán và cuối cùng mới là làm ăn kinh doanh.
"Trong 5 năm gần đây, ngày càng nhiều người, ngay cả các chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã trực tiếp chuyển qua ngành bất động sản hoặc gián tiếp lấy tiền của công ty để đầu tư đất đai để sinh lời", ông nói.
Trong điều kiện hiện nay, khi lãi suất giảm xuống, ông Hiển cho rằng những người có tiền cũng khó quay lại thị trường bất động sản, bởi ai cũng đang "kẹt" trong lĩnh vực này và người dân đang thiếu niềm tin. Bởi vậy, khi lãi suất giảm xuống, "tiền chỉ có thể được rút ra khỏi ngân hàng khi người dân thấy bất động sản khởi sắc".
Ngoài kênh đầu tư bất động sản, kênh chứng khoán trong những năm gần đây xuất hiện bộ phận "nhà đầu tư ham lợi nhuận nhuận, thích lướt sóng". Tuy nhiên, nếu lãi suất hạ, sẽ chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp trở lại thị trường, còn lại, đa phần dân số vẫn quen với đầu tư đất đai hơn, ông Hiển chia sẻ.
Về kênh đầu tư làm ăn, chuyên gia cho biết trong 5 năm nay, người dân đã không còn quen với kiểu góp tiền làm ăn. Do vậy, dù lãi suất có giảm, chẳng hạn thêm 1% nữa, thì dòng tiền của người dân rút ra khỏi ngân hàng để đưa vào sản xuất kinh doanh cũng sẽ chưa khả quan.