Chủ tịch Evergrande, người đang gánh khoản nợ 300 tỷ USD là ai?
Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Trung Quốc đang lao đao khi đứng trước nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Nguyên nhân chính là việc tập đoàn Evergrande có khả năng phá sản.
Theo Tạp chí Forbes, Evergrande nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Bộ phận quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia gần 2.800 dự án tại hơn 310 thành phố Trung Quốc.
Ngoài bất động sản, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: Ôtô điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất chương trình video và truyền hình và thậm chí cả công viên chủ đề.
Sau nhiều năm nhanh chóng mở rộng và gom mua tài sản, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Evergrande giờ đây đang “oằn mình” gánh khoản nợ khoảng 300 tỷ USD.
Với các cảnh báo về vỡ nợ được Tập đoàn này công bố 2 lần trước đây, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước những nguy cơ không thể tránh khỏi.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp hơn 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Nhiều dư luận lo ngại về tác động tiêu cực của sự cố Evergrande đối với kinh tế trong nước và toàn cầu.
Bà Jenny Zeng, chuyên gia của Công ty quản lý tài sản toàn cầu AllianceBernstein (trụ sở New York – Mỹ) mới đây đã đưa ra lời cảnh báo cho toàn bộ thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng, một lượng lớn các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang trong tình trạng "khủng hoảng nghiêm trọng" và "không thể trụ nổi" nếu các kênh tái cấp vốn tiếp tục bị đóng thêm một quãng thời gian dài.
Evergrande hiện là tập đoàn bất động sản nợ sâu nhất thế giới với khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD. Bản thân Evergrande từng nhiều lần cảnh báo họ có thể vỡ nợ.
Ngân hàng được cho là đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho những người mua dự án chưa hoàn thành của Evergrande, tập đoàn liên tục bị hạ điểm xếp hạng vì suy giảm thanh khoản.
Nhà đầu tư trong nước liệu có bị ảnh hưởng?
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nóng lên. Dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm có 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành 308.517 tỷ đồng và ba đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài với tổng giá trị 1 tỷ USD.
Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản huy động nhiều thứ hai sau nhóm các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành 107.980 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoảng 21,6% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.
Nếu chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, theo số liệu từ SSI Research thì các doanh nghiệp BĐS phát hành 92,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 23 bps so với bình quân năm 2020 trong khi kỳ hạn bình quân giữ ở mức 3,8 năm. Các ngân hàng và CTCK đã mua 37,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS (chiếm 40,4%).
Trong khi đó, thanh khoản của thị trường địa ốc có xu hướng giảm, cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần. Điều này có nguy cơ làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.
Thậm chí đã có chuyên gia cảnh báo với nhà đầu tư rằng "nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu bất động sản".
Trao đổi với Infonet, chuyên gia Tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, dù có nguy cơ nào đó nhưng Việt Nam không cần quá lo lắng về việc xảy ra những trường hợp tương tự như Trung Quốc. Bởi các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể.
Trong một động thái siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn còn trong tiến trình tăng trưởng, việc đầu tư hạ tầng đang được chú trọng, quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn mạnh mẽ đang là chỗ dựa cho thị trường bất động sản phát triển. Hơn nữa, với đặc điểm đầu tư tại Việt Nam thì bất động sản vẫn có ưu thế hơn các kênh khác nên vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội thu lợi nhuận cao từ kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, TS. Đinh Thế Hiển cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng với trái phiếu của các công ty bất động sản bởi kênh đầu tư này sẽ không được Nhà nước bảo vệ.
Chủ tịch Evergrande là ai?
Tập đoàn Evergrande được hình thành bởi Hui Ka Yan vào năm 1996 và đã vay rất nhiều để đầu tư cho quá trình phát triển nhanh chóng mặt của mình. Hui Ka Yan sinh năm 1958 ở Hà Nam, Trung Quốc và từng có một tuổi thơ cơ cực. Khi Hui Ka Yan mới 1 tuổi, mẹ qua đời, bố tham gia chiến tranh nên phải ở cùng bà ngoại. Nhà nghèo, Hui Ka Yan quyết định nghỉ học sau khi tốt nghiệp THPT đi làm nông phụ giúp bà. Sau đó, Hui Ka Yan quyết định thi lại vào trường Học viện Gang Thép Vũ Hán. Ông thi đỗ, và làm việc như một kỹ sư thép trong 10 năm.
Năm 1996, Hui Ka Yan thành lập Evergrande Estate cùng một số người bạn và đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Năm 2009, tập đoàn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và dần vươn lên vị trí số 1 về bất động sản ở Trung Quốc.
Vào thời kỳ đỉnh cao, năm 2017, tạp chí Forbes đã ước tính tài sản của Hui Ka Yan là 45 tỷ USD. Tập đoàn Evergrande phát triển vượt ra ngoài thị trường bất động sản khi mua lại câu lạc bộ bóng đá Guangzhou FC và các lĩnh vực kinh doanh mới. Tập đoàn còn có một thời gian làm trang trại chăn nuôi.
Evergrande tham gia lĩnh vực sản xuất ôtô điện khi Hui Ka Yan đưa ra tầm nhìn sẽ vượt qua Tesla của Mỹ để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới vào năm 2025. Giá trị thị trường của công ty ôtô của Evergrande đã tăng vọt lên tới 90 tỷ USD vào thời điểm đó dù vẫn chưa có một chiếc xe nào được đưa ra đại chúng.