Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: 'Ông vua thép' trở thành người giàu thứ hai tại Việt Nam
Chủ tịch Trần Đình Long là ai?
Ông Trần Đình Long sinh ngày 20/2/1961, tại tỉnh Hải Dương. Ông là một trong những tỷ phú có xuất thân từ vùng quê nghèo khó. Bằng sự thông minh, ham học hỏi và ý chí, khát vọng làm giàu đã giúp ông gặt hái thành công với sự nghiệp của mình.
Với niềm đam mê toán học từ nhỏ, năm 1986 ông Trần Đình Long tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc Dân. Có lẽ máu kinh doanh đã nhen nhóm trong ông từ lâu nên ông quyết chọn ngôi trường này làm nơi trau dồi kiến thức cho mình.
Chân dung chủ tịch Trần Đình Long của Hòa Phát
Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại Học Kinh tế Quốc dân, ông bắt tay vào nghiên cứu thị trường và bắt đầu khởi nghiệp. "Ông vua thép" mở đầu sự nghiệp kinh doanh của mình với việc thành lập một công ty chuyên buôn bán đồ cũ từ Nga vào năm 1992. Công ty này do ông cùng một người bạn nữa tên Trần Tuấn Dương hợp tác.
Lần đầu ra nước ngoài khảo sát thị trường – chuyến đi được coi là bước ngoặt thay đổi quan trọng của Hòa Phát. Từ trái sang là: ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Ngọc Quang và ông Trần Tuấn Dương
Vốn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm cùng với việc Luật doanh nghiệp mới ra đời trong khoản thời gian này khiến ông Long gặp rất nhiều khó khăn. Có thời gian, ông phải lấy nhà của mình làm địa điểm kinh doanh để hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Dùng từ “bôn ba” để nói về giai đoạn đầu trong kinh doanh của chủ tịch Trần Đình Long quả không sai. Ông và các đồng nghiệp phải lặn lội đi bằng đường biên giới qua nước ngoài để ngiên cứu thị trường và hàng hóa vào năm 1993. Đó có lẽ là khoảng thời gian khó khăn mà không phải ai cũng vượt qua được.
Đến năm 1994, khi vô tình thấy được rằng thị trường đồ nội thất nhập ngoại đang rất sôi động, ông đã quyết định gia nhập thị trường này. Ông đã thành lập công ty nội thất chuyên nhập hàng từ các nhà cung cấp đến từ Đài Loan, Malaysia đến Singapore…
Sự nghiệp của "ông vua thép" Trần Đình Long
Con đường kinh doanh của chủ tịch Trần Đình Long rộng mở hơn khi bước sang năm 1996, khi công ty TNHH thiết bị Phụ tùng của ông phải mua ống thép về làm giàn giáo, ông Long đã nhạy bén thấy được lĩnh vực kinh doanh mới tiềm năng. Bởi ông nhận thấy việc nhập thép từ Đài Loan về chi phí đắt, số lượng hạn chế, mua hàng khó khăn. Điều này đã thôi thúc ông quyết định đầu tư sản xuất thép dựa trên công nghệ của Đài Loan. Công ty thép Hòa Phát chính thức được ra đời.
Trong suốt những năm từ 1996 đến năm 2005 ông Trần Đình Long liên tục giữ chức chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát ngày nay. Đến năm 2007, tập đoàn Hòa Phát trở thành công ty thép hàng đầu Việt Nam.
Nhà máy sản xuất của tập đoàn Hòa Phát
Đây cũng là năm mà Hòa Phát lập kỷ lục với kết quả kinh doanh ấn tượng đồng thời giá cổ phiếu công ty cũng tăng vọt đã giúp tập đoàn Hòa Phát vươn lên khẳng định vị thế doanh nghiệp thép số 1 trên thị trường. Trong năm 2007, Hòa Phát xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại.
Điều này cho thấy được rằng khả năng quản lý, lãnh đạo, xây dựng chiến lược kinh doanh của ông Long rất hiệu quả. Sự tăng trưởng này đều đến từ việc ông Long nhạy bén với thị trường, biết đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng.
Sau nhiều năm gắn bó với ngành thép, đầu năm 2016, ông Long tiếp tục đầu tư thêm vào lĩnh vực Nông nghiệp với việc cho ra đời Công ty Phát triển Nông Nghiệp Hòa Phát. Số vốn điều lệ của công ty này được công bố là 2.500 tỷ đồng. Lĩnh vực chính của công ty là chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, vào tháng 8 năm 2016, công ty đã nhập khẩu thêm 500 con heo từ Đan Mạch về và cho xây dựng khu chăn nuôi có sức chứa hơn 3.000 con bò.
Lối rẽ sản xuất nông nghiệp của Hòa Phát đem lại doanh thu "khủng"
Dù đầu tư mạnh mẽ vào mảng kinh doanh mới nhưng chủ tịch Trần Đình Long không hề trễ nải những hoạt động của Hòa Phát. Đến năm 2017, Việt Nam bước lên ngôi “vương” về tiêu thụ thép tại khu vực các nước Đông Nam Á. cuối tháng 6 năm 2017, thép Hòa Phát đang dẫn đầu về t thị phần chiếm 27,5% thị phần thị trường thép xây dựng. Nhờ sự tăng trưởng mang tính “bứt phá” ấy, giá cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh, giúp nâng tổng giá trị tài sản của ông Long lên trên 1 tỷ USD.
Năm 2018, Hòa Phát tiến hành triển khai dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư 60.000 tỉ đồng, công suất thiết kế 4 triệu tấn thép/năm, chế biến thép theo công nghệ lò cao khép kín.
Như nhiều doanh nghiệp khác, sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, năm 2019 Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ và vừa tiếp nhận siêu dự án thép trị giá 3 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi).
Hòa Phát vẫn tăng trưởng vượt trội suốt hàng chục năm qua
Hoà Phát vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội trong năm 2020 bất chấp dịch COVID-19 do sản lượng thép tiêu thụ tăng đột biến nhờ các dự án đầu tư công được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. Sản lượng thép 9 tháng vượt 4 triệu tấn thép thô, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần thép Hòa Phát tiếp tục vượt trội ở vị trí dẫn đầu với 32,6%.
Bên cạnh đó, việc ký các đơn hàng với Trung Quốc và nhiều quốc gia giúp Hòa Phát xuất hơn 370.000 tấn thép, tăng 95% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng phôi thép đã xuất kho cho khách hàng trong và ngoài nước sau 9 tháng đạt 1,25 triệu tấn.
Biểu đồ thể hiện kết quả kinh doanh của Hòa Phát từ năm 2006 tới 2019 (Nguồn: Cafebiz)
Không dừng lại ở đó, việc mạnh dạn lấn sân sang các lĩnh vực khác cũng mang lại "trái ngọt" cho tập đoàn này. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, đóng góp khoảng 12% doanh thu và 15% lợi nhuận toàn tập đoàn. Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu 86.000 tỉ đồng doanh thu và 9.000 tỉ lợi nhuận sau thuế.
Hành trình quay lại danh sách tỷ phú đô la của chủ tịch Trần Đình Long
Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc và tạo đáy ở phiên 30/3. Nhờ dòng tiền của nhà đầu tư "F0", các chỉ số nói chung và nhiều cổ phiếu nói riêng hồi phục. VN-Index quay trở về được 990 điểm sau gần 9 tháng.
Việc cổ phiếu HPG lập đỉnh sau nhiều năm đã giúp cho khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn - ông Trần Đình Long gia tăng nhanh chóng.
Diễn biến cổ phiếu Hòa Phát trong tháng 11/2020
Ông Trần Đình Long từng lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2018, nhưng sau đó bị loại khỏi danh sách này trong năm 2019 và 2020. Hiện tại, ông Long là người giàu thứ 1.558 trên danh sách của Forbes.
Theo số liệu của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát tính đến ngày 23/11 đã tăng lên 1,8 tỷ USD. Theo đó, ông Long đã vượt qua ông Trần Bá Dương, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang để trở thành người giàu thứ 3 Việt Nam. Hai vị trí dẫn đầu vẫn là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup và CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air.
Chủ tịch Trần Đình Long trong buổi đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2020
Cụ thể, với 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát, khối tài sản của ông Long tính đến ngày 23/11 là 26.250 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản CEO Vietjet Air là hơn 25.258 tỷ đồng. Chỉ riêng trong phiên giao dịch ngày 23/11, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát tăng tới 1.260 tỷ đồng.
Mới đây, trong ngày 16/4, giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã tăng thêm 5 triệu USD, lên 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, khối tài sản của CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 50 triệu USD, còn 2,6 tỷ USD. Kết quả này giúp ông Long vươn lên vị trí thứ 1.260 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, còn bà Thảo bị tụt xuống vị trí thứ 1.227. Như vậy, tỷ phú Trần Đình Long đang là người giàu thứ hai tại Việt Nam, sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (9,8 tỷ USD).
Xem thêm: Tập đoàn Thép Hòa Phát: Chặng đường kết nối những giá trị “Hòa hợp cùng phát triển”
Thanh Thùy