Chủ tịch Nhượng Tống: Vấp ngã khi chọn đứng trên vai người khổng lồ là bài học xương máu cho Yeah1
Theo ông Nhượng Tống, có hai mô hình chuyển đổi số mà các doanh nghiệp thường chọn. Thứ nhất là tự xây dựng nền tảng và chiến lược còn lại là sử dụng những nền tảng đã có sẵn.
Với startup ít tiền như như Yeah, doanh nghiệp đã bắt đầu bằng cách chọn chọn đứng trên vai người khổng lồ như Google, YouTube... Công ty tận dụng phần mềm, ứng dụng và cộng đồng kết nối toàn cầu, hợp tác với những ông lớn công nghệ này và coi đó là cơ hội tốt để phát triển nhanh chóng, mở rộng mô hình kinh doanh của mình.
"Việc ứng dụng nền tảng số có sẵn phục vụ cho doanh nghiệp mình phát triển, có thể giúp mình đỡ chi phí đầu tư nền tảng hoặc hợp tác với những đơn vị có phần mềm tương thích để đi lên", ông Tống chia sẻ.
Vậy nhưng, theo ông Tống, nếu chỉ chạy bình thường, kiếm tiền bình thường chắc sẽ không sao, nhưng Yeah1 đã phát triển nhanh quá nên khi đứng trên vai người khổng lồ, "họ nhìn thấy điều đó và muốn hất cẳng doanh nghiệp".
Thời điểm đó, Yeah1 là đối tác phát triển nội dung số hàng đầu của Youtube, đứng vị trí thứ ba, quản lý mấy chục nghìn kênh trên toàn cầu. Thậm chí, có lúc Yeah1 đã đặt mục tiêu phải trở thành đối tác lớn nhất của YouTube.
Nhưng, ông Tống thừa nhận rằng, khi ấy Yeah1 không chỉ đứng trên vai người khổng lồ mà "còn muốn leo lên đầu người ta". "Lúc đó, Yeah1 rất tự hào về thành tựu của mình, đi tới đâu là chúng tôi càn quét thị trường tới đó", ông Tống hồi tưởng về thời gian Yeah1 gặp sự cố với YouTube.
Tự đứng dậy bằng đôi chân của mình
Sau cú vấp ngã với chiến lược số đó, Yeah1 đã phải quay lại với kênh truyền thống là truyền hình nhưng không mang lại hiệu quả. Sau đó, doanh nghiệp dã chọn quay về với chuyển đổi số và vừa kết hợp online lẫn offline để tạo ra bước tiến nhanh chóng hơn.
Trong đó, Yeah1 tập trung vào tự phát triển nền tảng của riêng mình. "Trong 3 năm vừa rồi, bài toán lợi nhuận của Yeah rất kém, chúng tôi vẫn đang lỗ. Mặc dù mảng kinh doanh cốt lõi của Yeah1 là media vẫn rất tốt, nhưng chúng tôi lại đang phải đổ nhiều tiền vào đầu tư platform.
Trong tương lai, nếu cảm thấy đầu tư không nổi nữa, thì Yeah1 sẽ đến gặp bên thứ ba như FPT để nhờ làm giúp. Nhưng tôi vẫn tâm niệm, chuyển đổi số là một quá trình, mình còn trẻ thì vẫn còn phải cố gắng", ông Tống chia sẻ.
Tuy nhiên, vị CEO Yeah1 Group cũng phải thừa nhận rằng con đường này không đơn giản. "Mình cứ nghĩ, bỏ ra vài chục nghìn đô sẽ làm được một hệ thống hoặc nền tảng xịn sò. Song sự thật không phải vậy.
"Tại thị trường Trung Quốc, họ có những cái app đầu tư tới 300 triệu USD. Những gì mình có thể thấy trên cái app đó có thể ví von như ‘phần vi của các mập’, còn hệ thống xử lý phía dưới chính là phần thân của con cá mập", ông Tống so sánh.
"Để xử lý giao dịch hoặc hoạt động của hàng triệu thành viên là một nỗ lực khổng lồ của nhiều phía. Yeah1 nghĩ rằng mình đã gặp chuyện đau thương như vậy thì phải cố gắng tự làm tốt một nền tảng, nhưng thật ra đây không phải là một câu chuyện đơn giản", vị chủ tịch nói.
Bài học cho các startup Việt
Nói về câu chuyện chuyển đổi số dành cho SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ), Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho rằng khi đã tham gia quá trình này thì doanh nghiệp phải chấp nhận nó như là một cuộc chơi.
"Mọi người điều biết rằng khi mình biết ứng dụng công nghệ đúng hay chuyển đổi số sẽ tạo ra những kết quả kỳ diệu, nhưng đôi khi chúng ta không biết kết quả khi bắt đầu cuộc chơi là sẽ như thế nào.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành này tạo ra những cuộc cách mạng thành công nhờ chuyển đổi số. Tuy nhiên, anh em giới công nghệ đều biết rằng đó là bề nổi và chỉ có một vài trường hợp thành công, còn vẫn có rất nhiều dự án thất bại thê thảm mà chúng ta không biết, xếp lớp hằng hà sa số ở đằng sau", ông Tống nhận định.
Chủ tịch Yeah1 đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ trước khi chuyển đổi số. "Chúng ta phải biết nó chỉ là công cụ để chúng ta phát triển. Nên đầu tiên phải lo cho bao tử trước, rồi mới bước vào cuộc chơi.
Lĩnh vực số khá mênh mông và nó có tính chất gây nghiện, đôi khi nó làm cho chúng ta xa rời thực tế, đôi khi chúng ta lao vào ảo ảnh hay hào quang thành công lớn, chúng ta sẽ chi quá tay
Nó sẽ ảnh hưởng xấu tới dòng tiền của công ty. Chuyển đổi số là cái cần, bắt buộc trong khoảng thời gian hiện tại, nhưng chúng ta chỉ nên dành là một khoản ngân sách nhất định và phải kỷ luật với chuyện đó. Không có chuyển đổi số, chưa chắc doanh nghiệp bạn chết, nhưng đôi khi lao vào mới chết!", ông Tống đưa ra lời khuyên.
Công nghệ sẽ là động lực để phục hồi sau dịch
Chủ tịch Yeah1 cũng khuyên doanh nghiệp nên tận dụng tất cả các ứng dụng và hệ thống đã có sẵn trên thị trường để cải thiện tình hình kinh doanh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19.
"Đây không phải chuyện nên cân nhắc ‘có thể làm’ hoặc ‘không làm’, mà trong xu thế mới là ‘buộc phải làm', ông Tống nói. Theo vị chủ tịch, COVID-19 không tạo ra ‘bình thường mới’ mà "hoàn toàn mới’.
Nhiều cửa hàng hồi xưa thuê chỗ to rộng mặt tiền, sau khi chuyển đổi số lên các app giao nhận thức ăn, họ vào thuê nhà trong hẻm. Hoặc họ nấu nướng trong nhà mình và sử dụng các nền tảng số để giảm chi phí mà vẫn có hiệu quả tốt.
"Tôi nghĩ, trong thế giới hiện tại, chuyển đổi số không chỉ có giá trị về số không mà nó sẽ phát triển bùng nổ. Những doanh nhân trẻ khỏe, ngoài đầu tư cho doanh nghiệp mình, nên bỏ một khoản đầu tư cho doanh nghiệp làm trong ngành công nghệ số hoặc nội dung số.
Trước đây, có một studio game nhỏ kêu gọi chúng tôi đầu tư cho họ 2 triệu USD, tôi đã đồng ý, nhưng một vài chú lớn tuổi trong HĐQT đã phủ quyết, vì thế thương vụ này bất thành. Bây giờ họ vừa phát hành token và đi khắp thế giới.
Giờ startup về game đó cũng có giá trị khoảng vài trăm triệu USD. Bây giờ đã không còn là thời đại ‘cá lớn nuốt cá bé’ nữa. Ai dám nghĩ dám làm và đi nhanh sẽ thành công", chủ tịch Yeah1 chia sẻ.