Ông Nguyễn Tống Nhượng Ảnh lên tiếng về việc 'tháo chạy' khỏi Yeah1
Đầu tháng 6, ông Tống đã bán hơn 4 triệu cổ phiếu và thu khoảng 70 tỷ đồng. Động thái này cộng thêm việc không ứng cử vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới đã khép lại 15 năm xây dựng và dẫn dắt Yeah1 từ một trang tin điện tử cho giới trẻ (với doanh thu 150 USD trong năm đầu) thành công ty truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM.
Trả lời thắc mắc của các cổ đông tại phiên họp thường niên chiều 15/6, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống phủ nhận việc rút lui vì động cơ tài chính cá nhân: "Nếu muốn tháo chạy thì chắc phải từ lúc mới niêm yết, khi giá cổ phiếu hơn 300.000 đồng, chứ lúc này tháo chạy làm gì", ông Tống nói.
Theo ông, là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Yeah1, ông luôn canh cánh làm sao để công ty tồn tại và phát triển. Công ty lỗ nặng trong năm 2019 và 2020 bởi dịch bùng phát, dẫn đến 2021 bắt buộc làm mọi cách để có lãi nhằm tránh bị hủy niêm yết theo quy định. Ban điều hành làm việc ngày đêm, cân nhắc nhiều phương án và cuối cùng "phải ra quyết định đau đớn và chấp nhận hy sinh" là thoái vốn nhiều công ty con để có lãi và chờ cơ hội hồi sinh.
Tuy nhiên, phương án này không dễ thực hiện. Công ty tìm kiếm đối tác chuyển nhượng vốn nhưng trong giai đoạn đầu không có nhà đầu tư quan tâm. Đến nửa cuối năm, quá trình đàm phán mới khởi sắc và báo cáo tài chính ghi nhận khoản lãi phát sinh từ hoạt động này là 416 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty mới có lãi sau thuế 30 tỷ đồng và cổ phiếu YEG không còn trong diện kiểm soát.
"Tôi ước gì không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán", ông Tống nói.
Sau những quyết định mang tính bước ngoặt để duy trì niêm yết, nhà sáng lập Yeah1 cho rằng công ty đã thay đổi chiến lược, từ đi nhanh và mở rộng sang đi chậm và đi chắc để chờ cơ hội đột phá.
"Bản chất tôi là người khởi nghiệp. Máu tôi là máu tấn công nên đứng giữa bối cảnh chậm lại thì cũng bất công cho bản thân, cũng sứt mẻ tình cảm anh em vì đôi khi có những ý kiến mình đưa ra không đạt sự đồng thuận chung. Tôi thấy hoạt động của Yeah1 sau khi vắng mình sẽ tốt hơn", ông Tống nói, đồng thời khẳng định sau này vẫn sẵn sàng "hy sinh mọi thứ để Yeah1 phát triển".
Sau khi ông Tống rời đi, Hội đồng quản trị mới của Yeah1 có 5 người gồm 3 nhân sự đang làm việc tại công ty là Tổng giám đốc Đào Phúc Trí, hai Phó tổng giám đốc Lê Minh Nhật Tín và Lê Phương Thảo. Hai nhân sự còn lại là ông Trần Hoài Nam (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn) và ông Nguyễn Hoàng Giang (Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE).
HĐQT Yeah1 triển khai định hướng hoạt động năm 2022 theo hướng củng cố nội tại và kiện toàn hệ thống với mục tiêu tinh giản, tập trung và hiệu quả.
Theo đó, Yeah1 sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thành công tác tái cơ cấu Tập đoàn, củng cố bộ máy quản trị; Tiếp tục huy động vốn từ các nguồn đa dạng, nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là mảng Digital - Tech Media; Cải tiến mô hình kinh doanh bán lẻ hiệu quả hơn và bắt kịp xu hướng (Socical commerce, E-commerce enablers); Tận dụng thế mạnh về truyền thông và công nghệ, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới (Fin-tech); Hoàn thiện việc chuyển đổi số toàn diện hệ thống quản trị.
Với định hướng hoạt động trên, Yeah1 đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng gần 25% lợi nhuận ròng, lên gần 25 tỷ đồng.
Chào bán hơn 78,64 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên gần 1.100 tỷ đồng
Một nội dung quan trọng khác sẽ được trình tại Đại hội là phương án chào bán riêng lẻ tối đa hơn 78,64 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp. Theo đó, vốn điều lệ Yeah1 dự kiến tăng từ 313 tỷ đồng lên gần 1.100 tỷ đồng.
Yeah1 dự kiến chào bán cho không quá 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp được chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022, sau khi có thông báo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Yeah1 huy động vốn để mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Digital - Tech Media), công nghệ (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech) và các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái (hơn 469 tỷ đồng); Đầu tư hạ tầng công nghệ (198 tỷ đồng); Góp vốn vào Công ty TNHH Yeah1 Network Việt Nam để bổ sung vốn lưu động (hơn 23 tỷ đồng); Góp vốn vào CTCP Thương mại Gigal để bổ sung vốn lưu động (hơn 60 tỷ đồng); Trả nợ vay ngắn hạn, dài hạn, nợ nhà cung cấp, và vốn lưu động khác (hơn 36 tỷ đồng).
Danh sách cổ đông tham gia phát hành riêng lẻ gồm CTCP Encapital Holdings, CTCP Công nghệ Tài chính Encapital, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn, CTCP Quản lý quỹ Hợp Lực.
Báo lỗ trong quý đầu năm 2022
Quý I/2022, Yeah1 ghi nhận doanh thu đạt 67,5 tỷ đồng, giảm 76,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 0,84 tỷ đồng lỗ 52,52 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 68,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 26,09 tỷ đồng về 11,85 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 15,8%, tương ứng giảm 0,87 tỷ đồng về 4,65 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 71,5%, tương ứng giảm 56,84 tỷ đồng về 22,66 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 18,24 tỷ đồng lên 16,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục âm 15,46 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 47,08 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.
Theo thuyết minh, trong quý I/2022, công ty ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến do ghi nhận thu nhập từ kiện tụng pháp lý 17 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 158,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 0,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 273,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 111,9 tỷ đồng.
Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2018 tới nay, chưa năm nào công ty tạo ra dòng tiền dương mà liên tục âm kéo dài. Cụ thể, năm 2018 âm 287 tỷ đồng, năm 2019 âm 41 tỷ đồng, năm 2020 âm 428 tỷ đồng và năm 2021 âm 88 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Yeah1 giảm 12% so với đầu năm về 1.208,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 777,7 tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 162,3 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 133,3 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6, cổ phiếu YEG giảm 400 đồng về mức 24.500 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 379.500 đơn vị.