Ông Nguyễn Hoàng Giang sẽ ngồi 'ghế nóng' HĐQT Yeah1
Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) được xem như "vô chủ" khi những cổ đông lớn là Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, bà Trần Uyên Phương - Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã thoái hết vốn.
Tuy nhiên, Yeah1 cũng đã xây dựng được kế hoạch mới với sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ, tài năng sẽ ngồi vào "ghế nóng" Hội đồng quản trị (HĐQT). Cụ thể, Yeah1 vừa công bố danh sách nhân sự đề cử bầu Thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2022 - 2027 trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 tới.
Theo đó, ngoài những người đang nằm trong ban điều hành của Yeah1 như ông Đào Phúc Trí (hiện là Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn), bà Lê Phương Thảo (hiện là Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn), ông Lê Minh Nhật Tín (hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ Tập đoàn) thì các nhân sự mới xuất hiện được đề cử bầu làm thành viên HĐQT YEG nhiệm kỳ mới có ông Trần Hoài Nam (hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn), ông Nguyễn Hoàng Giang (hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ Tài chính Encapital).
Các nhân sự đề cử bầu thành viên BKS đều là các nhân sự cũ của Yeah1, gồm ông Nguyễn Văn Nam (hiện là Giám đốc Kiểm toán nội bộ Tập đoàn), bà Lê Thị Bích Hằng (hiện là Trưởng phòng Kiểm toán Nội bộ Tập đoàn) và bà Lê Thị Quỳnh (hiện là Giám đốc Quản trị Rủi ro và Tuân thủ Tập đoàn).
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Giang là Chủ tịch HĐQT của CTCK DNSE, cũng là Chủ tịch của Công ty Công nghệ Tài chính Encapital. Đây là những cái tên khá nổi trong lĩnh vực công nghệ tài chính và truyền thông với sự đầu tư vào Fintech Finhay và mạng xã hội mang tên bovagau (Bò và Gấu).
Sự góp mặt của ông Giang được kỳ vọng sẽ góp phần triển khai thành công chiến lược phát triển mảng kinh doanh tài chính công nghệ, cung cấp đến cộng đồng lớn người xem nội dung trên các nền tảng mạng xã hội của Yeah1.
Bên cạnh ông Nguyễn Hoàng Giang, sự xuất hiện của ông Trần Hoài Nam, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn, có thể tập đoàn thời trang lâu đời có khả năng phát triển trong mảng thời trang bán lẻ tại Việt Nam sẽ giúp Yeah1 đẩy mạnh kinh doanh thương mại đa kênh.
Mảng bán lẻ Giga1 trong hai năm trở lại đây không thành công như mong đợi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong hướng đi phát triển sắp tới của Tập đoàn, mảng thương mại đa kênh vẫn đóng vai trò chiến lược với việc thay đổi mô hình kinh doanh dựa trên những thế mạnh cốt lõi của Tập đoàn là truyền thông trên nền tảng mạng xã hội và công nghệ số.
Dàn nhân sự mới trên "ghế nóng" dẫn dắt Yeah1 là cở sở quan trọng để kỳ vọng Tập đoàn nắm bắt được cơ hội từ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ các mảng truyền thông và thương mại trên nền tảng mạng xã hội sẽ để Yeah1 chuyển mình, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam và tiến tới hội nhập thị trường truyền thông toàn cầu.
Kế hoạch kinh doanh 2022 và định hướng phát triển
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, Yeah1 sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm hoàn thiện công tác tái cơ cấu tập đoàn; huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, nắm bắt cơ hội thị trường để phát triển mạnh mảng Tech-Media (Truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ); cải tiến mô hình kinh doanh thương mại đa kênh nhằm khai thác thế mạnh sẵn có của Yeah1 trong đó tập trung phát triển Social commerce (Thương mại qua mạng xã hội); nắm bắt cơ hội mở rộng các mảng kinh doanh mới như Fintech (Tài chính công nghệ); và thực hiện số hoá quy trình vận hành tập đoàn để tối ưu hiệu quả hoạt động.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 dự kiến doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25%.
Ngoài ra, doanh nghiệp có kế hoạch chào bán 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 313 tỷ đồng lên gần 1.100 tỷ đồng. Yeah1 huy động vốn để mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Tech Media), công nghiệp (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech), các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái (573 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng công nghệ (73 tỷ đồng) và trả nợ vay (141 tỷ đồng).
Có thể thấy Yeah1 đang tái cơ cấu toàn diện, nâng cao chất lượng quản trị theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch nhằm thực hiện thành công định hướng chiến lược của HĐQT, gồm các thành viên dày dặn kinh nghiệm, trong nhiệm kỳ mới.
Yeah1 được mệnh danh là “kỳ lân” startup, doanh nghiệp truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và gây tiếng vang với mức giá chào sàn 250.000 đồng/cp, lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán.
Sau sự cố YouTube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị liên quan vào tháng 3/2019, Yeah1 bắt đầu lao dốc cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Cụ thể, từ mức giá trên 300.000 đồng/cp, YEG hiện giao dịch quanh vùng 16.000 đồng/cp.
Đồng thời, việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab để xử lý khủng hoảng đã khiến Yeah1 phải ghi nhận lỗ ròng liên tiếp 385 tỷ đồng năm 2019 và 182 tỷ đồng năm 2020. Năm 2021, Doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm 12% xuống 1.079 tỷ đồng và có lãi ròng gần 20 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu tài chính từ thoái vốn các công ty con.