Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng cường đối thoại chính sách theo hướng cả hai cùng thắng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN sẽ tăng cường đối thoại chính sách theo hướng cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng còn người dân và người lao động thì được hưởng lợi.
Phát biểu tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp bày tỏ ủng hộ các đối thoại hiện nay về cách khôi phục hoạt động kinh doanh một cách an toàn; đồng thời đề nghị, trong bối cảnh gần như tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Việt Nam cần xem xét mở rộng hơn các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí và các chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp vui mừng khi thấy các tỉnh, thành phố phía Nam cho phép các nhà máy hoạt động, phục hồi sản xuất; mong muốn việc mở cửa trở lại được đơn giản hóa và hài hòa giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp ở Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách khuyến khích áp dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.
Trả lời các doanh nghiệp về những lĩnh vực này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay, giai đoạn phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng đang có chuyển hướng về chiến lược theo nguyên tắc, sống chung an toàn, thích ứng với Covid-19. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ kiến thức chuyên môn và thực tiễn tốt nhất trên thế giới, trong việc ứng phó với đại dịch, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được lợi ích của y tế, với các lợi ích về kinh tế xã hội khác, vừa phục hồi nền kinh tế.
“Hiện nay, Quốc hội cùng với Chính phủ đang tập trung nghiên cứu chiến lược có một khung khổ chính sách thống nhất và nhất quán để áp dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương với sự linh hoạt và điều chỉnh nhất định cho từng địa phương. Một tin vui là TP.HCM đang đưa ra đề xuất liên kết với các khu vực Đông Nam Bộ trong việc phục hồi kinh tế và phòng, chống đại dịch. Đây cũng là hướng mà Quốc hội và Chính phủ đang hướng tới có sự liên kết trong việc tạo ra những khung khổ. Nếu có sự khác nhau ở các địa phương thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nhiều khâu từ sản xuất đến tiêu thụ các địa phương khác nhau” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định này đã phát huy hiệu quả rất tích cực cho cả Việt Nam và các thành viên; bày tỏ mong muốn, Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư để tận dụng lợi thế tại thị trường Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu chung của Quốc hội là tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Quốc hội. Trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, có tuổi thọ lâu dài, bảo đảm tính công khai, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế; nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tham gia tích cực, chủ động trong kiến tạo phát triển nền tảng cho kinh tế xanh, kinh tế số, các mô hình kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn, coi trọng khoa học công nghệ, kinh tế hóa ngành tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ môi trường, áp dụng các mô hình thử nghiệm có kiểm soát (sand box) ở quy mô quốc gia; tiếp tục củng cố thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đồng thời tăng cường thể chế, chính sách về phát triển đô thị và kinh tế đô thị.
“Việt Nam trong 5 năm tới đây, quan tâm nhiều hơn vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả đổi mới sáng tạo; rà soát, sửa đổi những cái hệ thống pháp luật hiện có, bổ sung những quy định pháp luật, những điểm mới theo chủ trương của Đại hội 13 của Đảng và đồng thời cũng thích ứng với tình trạng đại dịch của dịch bệnh Covid-19. Về lĩnh vực trọng tâm, Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, coi đây là một trọng điểm trong vấn đề đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc ban hành và tổ chức thực thi các Nghị định, thông tư của Chính phủ cũng như quá trình thực thi pháp luật và giám sát các hoạt động của Chính phủ theo đúng vai trò được quy định trong Hiến pháp và pháp luật” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình cho biết.
Đánh giá cao các ý kiến của doanh nghiệp về kinh tế sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là một trong những động lực tăng trưởng; phát triển của Việt Nam dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn với nhân lực chất lượng cao; mong muốn tất cả các doanh nghiệp cũng như Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy, cũng như xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là vấn đề chuyển đổi số.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách về vấn đề miễn, giảm thuế, phí và lệ phí.
“Quốc hội cũng đã có gợi ý những giải pháp mới, trong việc hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp bị thua lỗ, họ không có lãi để mà miễn giảm, giãn hoàn, bằng những kinh nghiệm tốt của các nước như là hỗ trợ chi phí đầu vào, bằng cách cho khấu trừ cao hơn mức thực tế đối với các chi phí đầu vào, nhất là chi phí về nhân công. Hoặc là cho phép chuyển lỗ vào những thời kỳ sau nhiều hơn, so với quy định của pháp luật hiện hành. Tất cả những giải pháp này, đang được các cơ quan của Chính phủ cũng như Quốc hội tích cực nghiên cứu” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Tại cuộc làm viêc, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc sửa đổi các luật, nghị định như Dự thảo nghị định liên quan đến bảo vệ Dữ liệu cá nhân; hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích áp dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp. Ở lĩnh vực kinh doanh của mình, bà Nguyệt Nguyễn, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và chính sách công và quan hệ Chính phủ tại Netflix quan tâm đến Luật Điện ảnh (sửa đổi). Netflix đánh giá rất cao quan điểm gần đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi thảo luận về Dự thảo Luật Điện ảnh tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Về Luật Điện ảnh sửa đổi, Việt Nam nên áp dụng phương pháp hậu kiểm đối với phim. Các chi phí và thủ tục không cần thiết sẽ hạn chế sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam, hạn chế năng lực sáng tạo và giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa của người dân Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Quốc hội đối với dự thảo Luật và mong muốn được làm việc với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện đạo luật quan trọng này” - bà Nguyệt Nguyễn nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Quốc hội đang yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đáp ứng quan điểm điện ảnh không chỉ là loại hình văn học nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, một ngành công nghiệp mới nổi. Vì vậy, bản thân các dự luật này phải tạo được hành lang để thúc đẩy cho điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành kinh tế và phải tuân theo các quy luật kinh tế.
“Chúng tôi cũng rất mong cộng đồng doanh nghiệp góp ý cho Quốc hội, Chính phủ trong việc thiết kế những cơ chế, chính sách trong dự án luật này, để thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển với tư cách là một nền công nghiệp văn hóa. Luật điện ảnh ngày nay phải đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, lưu hành và phát hành phim các tác phẩm điện ảnh trong môi trường số, đó là điều mà chúng tôi yêu cầu đối với Chính phủ phải đáp ứng được trong kỷ nguyên mới hiện nay. Do đó, vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm đối với các phim trong môi trường số, Chính phủ và Quốc hội cũng đang tiếp tục thảo luận để đáp ứng yêu cầu tốt nhất của thực tế và theo thông lệ quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tăng cường đối thoại chính sách, không chỉ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị những vấn đề cụ thể, mà còn là đối thoại chính sách theo hướng cùng thắng, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng còn người dân và người lao động thì được hưởng lợi. Đồng thời tăng cường góp ý để hệ thống pháp luật Việt Nam vừa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống tại Việt Nam, vừa đáp ứng được chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Thay mặt các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN Ted Osius đánh giá cao sự tích cực, chủ động và thiện chí của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khi tổ chức cuộc đối thoại này theo đề nghị của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN; tin tưởng đây sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục phát huy trong tương lai để thảo luận, trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.
Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Michael Michalak cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Hoa Kỳ tiếp tục thảo luận về vấn đề quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN sẽ làm việc với Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề này.