Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư khu công nghiệp tại Nghệ An?

15:12 | 30/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Nghệ An. Hoạt động xúc tiến đầu tư bị gián đoạn, sản xuất, kinh doanh, vận tải, xuất nhập khẩu… bị đình trệ; nhiều đơn vị phải ngừng, đóng cửa do dịch bệnh. Việc sớm tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới” là việc hết sức cần thiết.

Nghệ An hiện có Khu kinh tế Đông Nam - diện tích 20.776,47ha và 6 khu công nghiệp (KCN) ngoài khu kinh tế (KKT) với tổng diện tích 1.660 ha. Tính đến tháng 9/2021, tỉnh đã có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động, gồm: Khu Công nghiệp VSIP (367,6ha); Khu Công nghiệp WHA (498ha); KCN Hoàng Mai I (264,77ha); KCN Đông Hồi (457,07ha); KCN Nam Cấm (327,83ha); KCN Bắc Vinh (60,16ha). Trong đó, KCN Nam Cấm, Bắc Vinh, Đông Hồi cơ bản lấp đầy diện tích, hiện đang thu hút đầu tư để lấp đầy các Khu Công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I. Hiện nay có 257 dự án đầu tư đang còn hiệu lực tại các khu công nghiệp nói trên, tổng vốn đầu tư 70.189,2 tỷ đồng (tương đương 3,03 tỷ USD), trong đó có 52 dự án FDI, vốn đầu tư 1,09 tỷ USD; 205 dự án trong nước, vốn đầu tư 44.816,8 tỷ đồng.

Một góc Khu kinh tế Đông Nam

Tổng số doanh nghiệp hoạt động tại các doanh nghiệp là 130 doanh nghiệp và 49 nhà thầu, đơn vị dịch vụ đang hoạt động trong KKT, các KCN của tỉnh. Kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2020: doanh thu 35.114 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.811 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2021: doanh thu 18.794 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.027 tỷ đồng.

Với tổng diện tích 1.850 ha sau khi hoàn thành, Khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An là Khu công nghiệp lớn với hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế, kết nối các trung tâm sản xuất, chế tạo và phân phối phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Nằm trong Khu kinh tế Đông Nam với các chính sách ưu đãi đặc biệt, Khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An giai đoạn 1, diện tích 498 ha có hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn cùng với các dự án khu dân cư và thương mại.

Hiện, Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP đã có 20 dự án đầu tư đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 11.800 lao động địa phương, có 3 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 7 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.

Tính đến 10/09/2021, Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP đã thu hút 30 dự án đầu tư (trong đó có 14 dự án FDI) với diện tích đất cho thuê 131,14 ha (trên tổng diện tích đất xây dựng nhà máy 263,23ha), đạt tỷ lệ lấp đầy 49,82% (dự kiến thu hút khoảng hơn 40.000 lao động địa phương).

Tỷ suất đầu tư bình quân của dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đạt khoảng 107,67 tỷ đồng/ha (tổng vốn đầu tư 11.612 tỷ đồng/ tổng diện tích đất cho thuê 107,85ha đối với 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

Tin mừng là trong bối cảnh dịch Covid- 19 tác động sâu sắc tới toàn cầu, nhưng với tư duy đầu tư chuyên nghiệp, uy tín, VSIP Nghệ An là điểm đến triển vọng của nhiều nhà đầu tư hiện nay đang muốn dịch chuyển môi trường đầu tư.

Lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết: Hiện tại, VSIP Nghệ An đang đi đến giai đoạn đàm phán với một số nhà đầu tư trên diện tích khoảng 16,44ha đất Khu Công nghiệp giai đoạn 1 và khoảng 40ha đất KCN giai đoạn 2, dự kiến ký kết thỏa thuận thuê đất vào quý 4/2021 năm nay, từ đó nâng tỷ lệ lấp đầy lên tới khoảng 71% vào cuối năm 2021.

Khu Công nghiệp Vsip đang là nơi hứa hẹn thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian sắp tới

Tìm hiểu được biết, hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đến từ  Hồng Kông, Singapore, Đài Loan có nhu cầu thuê đất diện tích lớn tại VSIP Nghệ An (từ 30ha - 60ha) như: Luxshare ICT tìm hiểu đầu tư 50ha, SIS (Nhà đầu tư phát triển hạ tầng Sembcorp – Singapore) tìm hiểu 7ha, Yuen Foong Yu (nhà đầu tư phát triển về đóng gói) từ Đài Loan đang tìm hiểu 7ha và một số nhà đầu tư công nghệ kỹ thuật cao cũng đã nhiều lần đến tìm hiểu đầu tư tại Khu CN VSIP Nghệ An giai đoạn 2.

Từ năm 2020 đến nay, theo báo cáo của khu kinh tế Đông Nam cho biết:  Khu công nghiệp VSIP cấp phép 8 dự án; Khu công nghiệp WHA cấp phép 7 dự án; KCN Hoàng Mai I đang làm thủ tục đầu tư 1 dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách và chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống dịch cũng ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà đầu tư đang triển khai xây dựng nhà máy trong khu CN, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành xây dựng cũng như sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình khó khăn trên, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực để kịp thời nắm bắt các khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Khẩn trương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Rà soát số lao động trở về tỉnh Nghệ An từ các địa phương phía Bắc, phía Nam để tư vấn, đào tạo, hỗ trợ tìm kiếm việc làm tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo tổ công tác trong Khu Kinh tế, Khu công nghiệp thường xuyên nắm bắt tình hình doanh nghiệp, tạo điều kiện phục hồi 100% lao động vào hoạt động tại doanh nghiệp; Có phương án khoanh vùng, dập dịch cụ thể trong từng phân xưởng, nhà máy khi có nguy cơ tiếp xúc. Tỉnh đã tập trung ưu tiên tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và các quy định hiện hành, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai các biện pháp vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa thích ứng duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả.