Chủ tịch Quốc hội: Chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã rõ khi sửa đổi Luật Đất đai

Đông Bắc 15:48 | 26/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phát biểu cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật…


Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về  dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Đất đai năm 2013 sau gần 8 năm tổ chức thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng đối với việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, vì vậy việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 là hết sức cần thiết.

 Rà soát toàn diện, tiếp tục hoàn thiện nhiều vấn đề lớn của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu giải trình một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cảm ơn những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, toàn diện của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã nêu, hoàn thiện Dự án Luật chặt chẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao. Trong thời gian qua, Quốc hội đã có sự đồng hành, phối hợp cùng Chính phủ trong việc xây dựng nội dung, hồ sơ dự án Luật quan trọng này.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh Quốc hội. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, đây là Dự án Luật hết sức quan trọng, nội dung rộng lớn, liên quan đến chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng – an ninh, lịch sử, nên nội dung tương đối phức tạp. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành, góp ý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để Dự án Luật đạt được mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại.

Đối với các trường hợp nhà nước thu hồi đất, Bộ trưởng cho biết, Dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cũng nghiên cứu mở rộng quỹ đất theo hướng tuyến đường để mở rộng các đường giao thông, lấy nguồn lực đất đai để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội.

Liên quan đến hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, đồng thời, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, Cơ quan soan thảo sẽ tiếp tục làm rõ và đánh giá tác động của quy định này; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và các doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với vấn đề về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng cho biết, Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Kế thừa các nghiên cứu từ các luật khác, tại Điều 4 trong Dự án Luật này quy định đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần điều chỉnh, xử lý các mối quan hệ trong hệ thống pháp luật.

Các quy định trong Điều 4 này cũng hướng đến làm rõ, điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật Đất đai 2023 với các Luật khác, chứ không phải Luật Đất đai 2013, nên sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề chồng chéo trước đây, mà còn hướng đến giảm thiểu các mâu thuẫn, chồng chéo của Luật sắp ban hành.

Chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận

Phát biểu kết luận tại phiên họp ngày 22/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Quá trình xây dựng và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới. Năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện việc thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh Quốc hội.

Đây là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật này, nhưng theo ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị công phu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, từ chủ trương thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết.

Chỉ ra một số chủ trương lớn cần tiếp tục cần thể chế hóa trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận. Việc sửa đổi Luật Đất đai phải kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt.

 Sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài và tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Mọi đề xuất, quy định đưa vào dự án luật phải đánh giá rất kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Thực hiện tách bạch giữa quan hệ đất đai mang tính chất công với những quan hệ đất đai mang tính chất tư.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ cần nhận thức và xác định rõ về quan điểm sửa đổi Luật cũng như nêu bật được tính chất quan trọng của Luật Đất đai  để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đối với hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế, từng người dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng, nếu nói Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước thì Luật Đất đai chỉ đứng sau vị trí của Hiến pháp và giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong nhiều đạo luật khác.

Đồng thời cần xác định việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là một sự kiện chính trị pháp lý lớn của đất nước, là một đợt sinh hoạt chính trị để triển khai chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 18-NQ/TW, do đó phải bám sát và thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối được nêu ở trong các văn kiện của Đảng. Nếu làm không kỹ, không thận trọng, không được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động tiếp đến tất cả những mối quan hệ pháp lý khác.

Nếu giải quyết tốt được các vấn đề của Luật Đất đai sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết được nguyên nhân căn bản dẫn đến những tình trạng phức tạp trong khiếu nại, tố cáo hiện nay. Để làm được điều đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng phải làm thật kỹ, cách đặt vấn đề cần hết sức kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá toàn diện mọi mặt khi xây dựng và ban hành luật. Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn tinh thần và đảm bảo tính hợp hiến của các nội dung quy định trong Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng cho rằng việc xây dựng dự án Luật cần bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, tránh hợp thức hóa những vi phạm, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng. Đồng thời cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

 Cũng đưa ra ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án luật của Chính phủ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời bày tỏ sự thống nhất việc cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai và cho rằng đây là vấn đề mà người dân, xã hội rất mong đợi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát kỹ các luật liên quan đến Luật Đất đai, hướng xử lý nếu trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác; xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.