Chủ tịch TP.HCM: Thành phố đang lên kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân

20:18 | 11/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Thành phố sẽ phát triển những nhà giá thấp nhất có thể, để công nhân dễ tiếp cận và cũng thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ hiện nay. Đây là một trong những việc chính quyền thành phố đã thấy, cần phải làm ngay".

Đây là Khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nói tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 4,7, Nhà Bè và Cần Giờ trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV, chiều 11/10, khi đề cập đến chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thời gian tới.

Theo đó, tại buổi tiếp xúc cử tri Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, rất trân trọng tất cả ý kiến của cử tri. Ông Mãi nhấn mạnh trong đại dịch, hoạn nạn, sức mạnh to lớn từ sự chung sức, đồng lòng của người dân thành phố càng được thể hiện. Ông gửi lời tri ân đến tất cả lực lượng chống dịch cùng nhân dân thành phố.

Tổ ĐBQH TP.HCM đơn vị 9 tiếp xúc trực tuyến với cử tri các quận: 4, 7, Cần Giờ, Nhà Bè

Theo ông Mãi sau đại dịch đã bộ lộ ra nhiều vấn đề, đơn cử như an sinh xã hội. Chính quyền thành phố đã rất nỗ lực, sự đùm bọc, chia sẻ ngay trong cộng đồng cũng rất lớn nhưng không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Hàng ngày, lãnh đạo thành phố vẫn nhận được hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn về nơi này nơi kia chưa được giải quyết vấn đề an sinh.

Ngoài ra, có hiện tượng không minh bạch, thiếu khách quan, tiêu cực trong quá trình triển khai các gói an sinh. Dù đây là việc không mong muốn nhưng thực tế đã xảy ra. 

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết ngay từ khi bắt đầu triển khai các đợt hỗ trợ, thành phố yêu cầu các cấp thực hiện chu đáo, tránh sai sót. Sáng nay, Thường trực Ủy ban thống nhất lập các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện gói an sinh đợt 3 kịp thời chấn chỉnh các sai sót nếu có.

Cũng theo ông Mãi, dịch đã khiến nhiều người lớn tuổi thành neo đơn, nhiều trẻ em mất cha mẹ nên thành phố cần phải có chính sách chăm lo cho những trường hợp này, cũng như có hình thức chữa lành vết thương về tâm lý, tinh thần... "Tới đây thành phố còn rất nhiều việc phải làm, chúng tôi sẽ thực hiện với cách tiếp cận mới", ông Mãi nói.

Về vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, Chủ tịch TP.HCM cho rằng thành phố còn nhiều khu nhà trọ của người lao động diện tích chật hẹp. Trước đây, khi chưa có dịch người lao động sáng đi làm, tối về, nên nơi ở chủ yếu để ngủ. Tuy nhiên, dịch 4 tháng liền phải giãn cách xã hội, vợ chồng con cái ở trong một diện tích chật hẹp sẽ không ổn. Việc này tác động lớn đến đời tinh thần người dân.

"Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới thành phố sẽ thực hiện tốt hơn", cho hay.

Theo chia sẻ của ông Mãi, trong 11 kế hoạch thành phần về phòng chống dịch, khôi phục kinh tế của TPHCM, đã có kế hoạch về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Có thể trong tuần này, thường trực UBND TP sẽ nghe các ngành chức năng trình bày kế hoạch phát triển một triệu căn nhà giá rẻ cho những người thu nhập thấp.

TP.HCM dự kiến phát triển những căn nhà với giá thấp nhất có thể để người thu nhập thấp tiếp cận được, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, thay thế các chung cư cũ, nhà ở trên kênh rạch. Đồng thời, thành phố cũng phải cải thiện lại nhà cho công nhân thuê hiện nay.

Về vấn đề học tập, Chủ tịch UBND TP.HCM  cho hay, việc học trực tuyến sẽ rất khó nhưng thành phố không thể chấp nhận rủi ro khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nếu tình hình dịch COVID-19 được cải thiện; việc tiêm vaccine cho trẻ em được đảm bảo, sẽ dần trở lại học trực tiếp vào học kỳ 2.

Đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, theo ông Mãi, đây là câu chuyện lớn và lâu dài. Thành phố sẽ tập trung cho sản xuất, kế đến là dịch vụ. Trong đó, vẫn tập trung cho các ngành sản xuất, dịch vụ chủ lực tạo ra giá trị lớn của thành phố, cũng như giá trị xuất khẩu. thành phố muốn thực hiện được phải đảm bảo sản xuất an toàn, đồng thời sẽ cùng ngồi lại với doanh nghiệp để tính phương án đưa người lao động trở lại thành phố tham gia sản xuất.