Thị trường không thuận lợi, Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE) đặt mục tiêu lãi giảm 21%
Về tình hình kinh doanh trong năm 2022, PCE cho biết, trong năm đã tiêu thụ gần 247.000 tấn phân bón, giảm 22% so với năm 2021 và chỉ thực hiện được 69% kế hoạch năm, phần lớn là sản lượng Ure Phú Mỹ với gần 152.000 tấn (chiếm hơn 61% tỷ trọng), còn lại là sản lượng từ NPK Phú Mỹ, Đạm Kebo….
Kết thúc năm, doanh nghiệp ghi nhận 3.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2021 nhưng chỉ thực hiện được 80% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 57 tỷ đồng, tăng 12% và vượt 10% kế hoạch năm.
Theo lý giải của PCE, trong năm qua, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn cung khan hiếm khiến thị trường phân bón khu vực miền Trung Tây Nguyên phần lớn thời gian diễn biến khá trầm lắng, ngay cả thời điểm vào chính vụ.
Giá phân bón cao, tỷ suất đầu tư lớn trong khi đó lợi nhuận không tăng. Chính vì vậy, nhiều nhà phân phối, cửa hàng mua bán cầm chừng, một số nhà phân phối, cửa hàng đang dần chuyển đổi hạng mục kinh doanh sang các ngành, hàng khác (như bất động sản, dự án mới...).
Tài chính các nhà phân phối, cửa hàng gặp nhiều khó khăn khi ngân hàng siết chặt tín dụng, hạn chế cho vay kéo theo nhà phân phối, cửa hàng giảm đầu tư, bán công nợ cho nông dân.
Dự báo về tình hình kinh doanh trong năm nay, theo PCE, thị trường phân bón Việt Nam và khu vực miền Trung Tây Nguyên sẽ điều chỉnh, tuy nhiên việc sụt giảm nguồn cung trong nước do Nhà máy Đạm Phú Mỹ có kế hoạch tiến hành bảo dưỡng lớn và nguồn hàng nhập khẩu hạn chế khi nguồn cung thế giới thiếu hụt, giá cao sẽ hỗ trợ thị trường thiết lập mặt bằng giá mới.
Giá phân bón tuy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu trong kinh doanh các sản phẩm phân bón thấp so với các năm, các đại lý/cửa hàng không mạnh dạn đầu tư, xu hướng kinh doanh mua bán cầm chừng và hạn chế đầu tư hoặc đầu tư có chọn lọc.
Bên cạnh đó, giá các nông sản chủ lực từ nửa cuối tháng 10/2022 như cà phê giảm liên tiếp về mức tương đương cùng kỳ 2021 (khoảng 40.500-41.600 đồng/kg), giá tiêu ổn định ở mức 59.000-60.000 đồng/kg. Với mức giá này, hiệu quả sản xuất thấp, nông dân có thể giảm trong đầu tư chăm bón cây trồng, nhu cầu sử dụng phân bón trên thị trường theo đó sẽ đi xuống.
Từ những dự báo trên, PCE đặt mục tiêu năm 2023 tiêu thụ 331.000 tấn sản phẩm, đem về gần 4.658 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 33% so với năm 2022 nhưng lãi trước thuế giảm 21%, còn hơn 30 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp diễn ra, PCE cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 gồm chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 14% (mỗi cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 1.400 đồng) và trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi 20% lợi nhuận sau thuế nhưng không quá 6 tháng lương bình quân thực hiện. Trong trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch được giao, PCE dự kiến trích lập bổ sung thêm Quỹ khen thưởng với mức tối đa 10% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.
Về những thay đổi trong HĐQT, Công ty đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/9/2022 để tiến hành các thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT và bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT. Theo đó, ông Cao Trung Kiên thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và không còn là Thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 15/9/2022. Cùng ngày, ông Mai Thanh Hải thôi giữ chức Giám đốc và được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trịnh Văn Chương được bầu làm Thành viên HĐQT và bổ nhiệm chức Giám đốc