Chùm ảnh: Các bến xe Hà Nội `vắng tanh` ngày cuối năm vì COVID-19
Dù đã vào những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, các bến xe trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng đìu hiu. Thay vì đi xe khách, nhiều người lựa chọn xe máy, thuê xe ô tô riêng để tránh dịch COVID-19.
Chiều chủ nhật cuối cùng của năm Canh Tý 2020, như thường lệ, những người xa quê lại khăn gói trở về đoàn tụ, đón Tết bên gia đình sau một năm tất bật với công việc, học tập ở thủ đô Hà Nội.
Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thay vì lựa chọn xe khách là ưu tiên số 1 như mọi năm, nhiều người chuyển sang đi xe riêng, thuê xe ô tô dịch vụ, taxi hoặc thậm chí đi xe máy về nhà.
Tại bến xe Giáp Bát, không khí ảm đạm chưa từng thấy. Tại nhà chờ xe chỉ lác đác khách ngồi đợi. Do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát với xu hướng phức tạp hơn đúng vào tháng cuối năm đã khiến ngành vận tải thêm một phen lao đao.
Cảnh đìu hiu vắng vẻ tại bến xe Giáp Bát những ngày giáp Tết. Ảnh: Dân Việt
Bến xe Giáp Bát vốn là nơi có lượng người về các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... rất đông. Tuy nhiên năm nay người dân vào ra bến lác đác, các nhân viên quầy bán vé thong dong ngồi chờ khách.
Theo Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - ông Lý Trường Sơn, từ ngày mở bến đến nay chưa năm nào gần Tết mà bến lại đìu hiu như năm nay. Theo ông Sơn, ngoài 800 lượt xe xuất bến như dự kiến, đơn vị đã tăng cường thêm 10%, nhưng với lượng khách vào ra bến như hiện nay thì sẽ không phải dùng đến xe tăng cường nữa.
Bến xe Mỹ Đình cũng rơi vào tình cảnh tương tự dù thời điểm hiện tại đã là chiều 26 Tết Tân Sửu. Ảnh: Lao động
Ngày thường, bến xe Mỹ Đình đón đưa khoảng 6.000-8.000 hành khách/ngày, vậy mà đến thời điểm giáp Tết năm nay, bến chỉ đón được khoảng 3.000-4.000 khách/ngày, thậm chí có ngày còn ít hơn và số xe xuất bến cũng chỉ đạt tới 40-50% khách.
Số lượng hành khách tại băng ghế chờ bến xe Giáp Bát vắng vẻ lạ thường. Ảnh: Dân Việt
Không còn cảnh chen chúc, tấp nập như mọi năm thời điểm giáp Tết nguyên đán tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Lao động
Hành khach mua vé tại bến xe Gia Lâm. Ảnh: TTXVN
Quầy bán vé vắng khách đặt xe. Ảnh: Lao động
Ảnh: Dân Việt
Các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng được dán tại bến xe để người dân nắm được. Ảnh: Lao động
Ảnh: Lao động
Nhân viên bán vé ngồi thảnh thơi chờ khách. Ảnh: Dân Việt
Nhiều tài xế đủng đỉnh nằm ngủ vì không có khách đi xe. Ảnh: Dân Việt
Gần 40 năm làm tài xế, năm nay ông Doanh thấy nhàn nhất vì chẳng có khách. Ảnh: Dân Việt
Theo các chuyên gia giao thông, dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào thời điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại dịch bệnh sẽ khiến nhiều người thay đổi kế hoạch ăn Tết của mình. Thay vì về quê, đi du lịch... người dân sẽ chọn phương án ăn Tết tại nhà để đảm bảo an toàn. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ vé tàu, máy bay và ôtô sẽ giảm.
Thay vì đi xe khách, nhiều người lựa chọn xe máy, thuê xe ô tô riêng để tránh dịch COVID-19. Ảnh: Dân Việt
Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, người dân được nghỉ 7 ngày, từ 10/2/2021 đến hết ngày 16/2/2021 (tức từ ngày 29 đến mùng 5 Tết). Đây là kỳ nghỉ lễ quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, do vậy nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến so với ngày thường. Dự báo, đợt cao điểm về giao thông vận tải sẽ diễn ra từ ngày 2/2 đến hết ngày 21/2 và 10 ngày sau Tết Nguyên đán.
Hải Yến