Chứng khoán châu Á hầu hết giảm sâu trong chiều 9/5

H. Thủy (tổng hợp) 17:05 | 09/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chứng khoán châu Á đa phần giảm sâu, khi các nhà đầu tư vẫn lo lắng về lạm phát và tác động từ các lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm mạnh, theo sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ do lo ngại về lãi suất cao hơn cũng như về mùa báo cáo thu nhập doanh nghiệp Nhật Bản sắp tới. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 2,53% (tương đương 684,22 điểm) và kết thúc ở mức 26.319,34 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng vào thứ Hai, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách chống dịch COVID-19 ở các thành phố lớn của Trung Quốc.

Chỉ số Kospi tại Seoul mất 1,27% (33,70 điểm) và đóng cửa ở mức 2.610,81 điểm, kéo dài chuỗi mất điểm sang phiên thứ năm liên tiếp. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/11/2021, khi chỉ số này khép phiên ở mức 2.591,34 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc "le lói ánh xanh" trong phiên này, với chỉ số chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải nhích 0,09% lên 3.004,14 điểm. Chứng khoán Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.

Thị trường toàn cầu đã phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, bao gồm lạm phát phi mã, lãi suất tăng cao, kinh tế Trung Quốc suy thoái và xung đột ở Ukraine.

Hồi đầu phiên, chứng khoán châu Á đã có một giai đoạn tăng điểm ngắn nhờ một báo cáo việc làm vững chắc của Mỹ công bố hồi cuối tuần trước. Nhưng đà tăng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của Fed tiếp tục khiến các nhà giao dịch tháo chạy khỏi thị trường.

Các nhà đầu tư nhận thêm tin xấu vào hôm thứ Hai, khi số liệu xuất khẩu tháng 4/2022 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm. Theo báo cáo, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu bị đình trệ vào cùng giai đoạn.

Sự suy giảm này là do chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của nền kinh tế tỷ dân đã khiến các trung tâm sản xuất ngừng hoạt động. Các vụ phong tỏa ở hàng chục thành phố của Trung Quốc - từ các trung tâm sản xuất ở Thâm Quyến và Thượng Hải cho đến trung tâm nông nghiệp ở Cát Lâm - đã tàn phá chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây, đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ và buộc người tiêu dùng phải ở trong nhà.

Giới chức Trung Quốc đã cố gắng nâng đỡ tâm lý thị trường bằng cách nói rằng nền kinh tế vẫn còn dư địa để tạo ra sự thay đổi. Nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra kém lạc quan hơn về điều này.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, chỉ số VN - Index giảm 59,64 điểm (4,49%) xuống 1.269,62 điểm. HNX - Index cũng để mất 20,07 điểm (5,84%%) xuống 323,39 điểm.