Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản dần 'biến mất'?

Đông Bắc 13:56 | 09/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu, ngay trong tháng 4/2022 đã không có đợt huy động vốn nào của doanh nghiệp bất động sản.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tháng 4 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.470 tỷ đồng. Các ngân hàng chiếm gần 91% trong số này, còn lại là doanh nghiệp năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính.

Diễn biến này đối lập hoàn toàn với hoạt động phát hành trong tháng 3 khi doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu tỷ trọng giá trị phát hành với 46,7%, sau đó mới đến ngân hàng và doanh nghiệp thuộc các ngành khác.

Khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Chỉ đạo được Thủ tướng đưa ra ngày 7/4, hai ngày sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.

Tính chung bốn tháng đầu năm, nhóm bất động sản vẫn đứng đầu giá trị phát hành với 28.850 tỷ đồng, chiếm 37%. Tiếp đến là nhóm ngân hàng với 24.390 tỷ đồng, chiếm 31%.

Danh sách doanh nghiệp phát hành trái phiếu tháng 4/2022.

Trước khi chững lại, thị trường trái phiếu được nhiều chuyên gia đánh giá là tăng quá nóng. Trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng vì dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành này vẫn phát hành ồ ạt và thường xuyên áp đảo về số đợt cũng như giá trị phát hành, thậm chí có tháng chiếm gần 60%.

Năm ngoái, bình quân lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản là 10,36% một năm và kỳ hạn phổ biến là 3-4 năm. 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu.

Loạt chính sách mới tác động lớn đến thị trường bất động sản

Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) Quý I/2022, Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến thị trường BĐS.

Thứ nhất, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP). Trong đó, sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn về điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản; quy định về áp dụng mẫu hợp đồng trong kinh doanh bất động sản bao gồm mua bán, thuê mua, thuê đối với nhà ở, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, công trình xây dựng và chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất…

Thứ hai, Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022, có hiệu lực từ 01/3/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; trong đó có sửa đổi bổ sung một số quy định về miễn nộp lệ phí trước bạ nhà đất đối với một số trường hợp.

Thứ ba, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, quy định giảm thuế GTGT cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Thứ tư, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, quy định rõ về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản và vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Thứ năm, ngày 18/2/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ. Quyết định trên quy định tiêu chuẩn cụ thể về nhà ở công vụ đối với cơ quan Trung ương, tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với địa phương, tiêu chuẩn nhà ở công vụ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Thứ sáu, ngày 30/01/2022, Chính phủ có Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều chính sách mới và các văn bản chỉ đạo điều hành tác động đến thị trường BĐS. Ảnh minh họa.

Trong đó, thực hiện hỗ trợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Thứ bảy, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong đó, yêu cầu các Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, thanh tra, rà soát các hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.