Chứng khoán Mirae Asset: Tốc độ tăng nợ xấu ngân hàng dự báo chậm lại từ quý II

Diên Vỹ 10:33 | 10/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng hồi đầu tháng này, Chứng khoán Mirae Asset nhận định nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc cắt giảm lãi suất cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ phần nào giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới.

 

Nợ xấu ngân hàng có thể đạt đỉnh vào cuối 2023 hoặc đầu 2024

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại trong quý I, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) chỉ ra rằng tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng đáng kể trong quý. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng lên mức 2,9%, tăng 0,4 điểm % so với thời điểm cuối năm 2022 và tiệm cận mức trần nợ xấu là 3% (áp dụng cho ngân hàng mẹ). Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh chủ yếu đến từ việc lãi suất tăng cao đi kèm với tình hình kinh doanh kém khả quan. 

Tổng dư nợ cho vay nhóm 3 trở xuống của 27 ngân hàng niêm yết trong thống kê của MAS đạt 168,3 nghìn tỷ, tăng 21,1% so với cuối năm ngoái và tăng 51,4% so với cùng kỳ 2022. Tỷ lệ nợ dưới chuẩn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 1,4 điểm % lên mức 5,8% so với cùng kỳ.

 Nguồn: MAS

Nhóm phân tích nhận định tỷ lệ nợ xấu mở rộng cho thấy nợ xấu có thể chưa đạt đỉnh. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô nói chung mặc dù đang trong quá trình phục hồi dần nhưng đà phục hồi được đánh giá còn chưa rõ rệt. Dù vậy, nhóm kỳ vọng các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía NHNN trong việc cắt giảm lãi suất cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ phần nào giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới. 

“Tốc độ gia tăng nợ xấu được kỳ vọng suy giảm trong các quý còn lại của năm 2023”, báo cáo của MAS nêu rõ. “Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hay đầu 2024”.

Cùng với việc nợ xấu gia tăng, báo cáo của MAS cũng chỉ ra xu hướng giảm kéo dài của bộ đệm dự phòng. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình của các ngân hàng niêm yết đã giảm xuống 107,3% vào cuối quý I, giảm khoảng 13,5% so với thời điểm cuối năm 2022. Một số ngân hàng niêm yết có mức dự phòng cao đặc biệt như VCB (320,8%), CTG (186,6%), BID (171,3%) và MBB (138,3%), trong khi 17 trên 27 ngân hàng niêm yết có LLR thấp hơn 100% tính đến hết Q1/2023.

 Nguồn: MAS

Một phần áp lực khác với chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng cũng đến từ việc một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sắp đến kỳ thanh toán gốc và lãi. Cụ thể, nhóm phân tích ước tính khoảng 200 nghìn tỷ TPDN sẽ đến hạn thanh toán tiền gốc trong 7 tháng cuối năm 2023, trong khi trái phiếu đáo hạn vào năm 2024 ước tính khoảng 360 nghìn tỷ đồng, tức tăng 29.4% so với năm 2023. 

“Nhìn chung, tổng lượng trái phiếu này không quá lớn so với tổng dư nợ của hệ thống tín dụng trong nước (xấp xỉ 5% tổng tín dụng của ngành ngân hàng), nhưng cũng không thể xem nhẹ tác động dây chuyền và các hệ quả liên quan như gia tăng nợ xấu và gánh nặng chi phí trích lập dự phòng”, MAS cho hay.

 Nguồn: MAS

CASA chưa sớm phục hồi, thêm áp lực lên biên lãi thuần 

Cũng theo MAS, việc lãi suất đảo chiều là chỉ báo cho sự phục hồi của tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Liên tục trong những tháng gần đây, NHNN đã 4 lần điều chỉnh hạ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0 %/năm. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế chưa thực sự rõ rệt, sản xuất và xuất khẩu đối diện nhiều thách thức trong khi lạm phát được kiểm soát tốt tạo dư địa cho chính sách tiền tệ linh hoạt. 

Theo thống kê của nhóm phân tích, CASA trung bình của nhóm các ngân hàng niêm yết trong quý I/2023 đã kéo dài đà giảm xuống mức thấp là 18,9% (giảm 2 điểm % so với thời điểm cuối năm 2022), và đang ở ngưỡng trước dịch. 

“Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng lãi suất tiền gửi giảm sẽ kém hấp dẫn dòng tiền tự do và sẽ tạo ra sự thay đổi trong việc phân bổ nguồn vốn, hay giảm tỷ trọng của tiền gửi có kỳ hạn trong danh mục đầu tư. Ngoài ra, CPI hạ nhiệt và thị trường chứng khoán phục hồi kỳ vọng tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư. Vì vậy, chúng tôi cho rằng CASA sẽ chạm đáy vào quý II - quý III/2023”, báo cáo của MAS nhận định.

Về tỷ lệ biên lãi thuần (NIM), nhóm phân tích nhận định chỉ số này sẽ tiếp tục đối diện với sức ép từ chi phí vốn và chi phí tín dụng. Tính theo quý, NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết đã giảm 25 điểm cơ bản xuống 3,5% vào quý I vừa qua, trong khi NIM tính trên cơ sở 12 tháng giữ nguyên ở mức 3,6%. Theo MAS, biên độ chênh lệch lãi suất giữa tài sản và nợ vay cũng ghi nhận xu hướng giảm. Mặc dù hầu hết danh mục tài sản sinh lãi (IEA) đều có sự điều tiết dựa trên cơ sở lãi suất huy động (đa phần danh mục tín dụng là cho vay), nên việc giảm chênh lệch lãi suất giữa IEA và huy động đa phần do tỷ lệ tiền gửi có kỳ hạn cao hơn trong cơ cấu tiền gửi. 

Ngoài ra, chất lượng tài sản giảm do nợ xấu tiếp tục xu hướng gia tăng cũng như áp lực từ TPDN đáo hạn… được nhận định cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên NIM của các ngân hàng thương mại. 

“NIM dự kiến sẽ kéo dài chuỗi giảm vào năm 2023 dựa trên các giả định sau: 1) chất lượng tài sản sẽ tiếp tục xấu đi; 2) thiếu sự hỗ trợ từ huy động nguồn vốn giá rẻ (CASA chưa thể phục hồi nhanh) và tỷ trọng ngân hàng bán lẻ có sự chững lại", theo báo cáo của MAS.

 

Chất lượng tài sản sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập ngân hàng năm nay

Do những thách thức từ kinh tế chậm phát triển cả trong và ngoài nước, các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm 2023. Theo thống kê từ kế hoạch kinh doanh được các ngân hàng công bố tại ĐHCĐ năm nay, lợi nhuận của 26 ngân hàng niêm yết (không bao gồm CTG) đặt mục tiêu tăng bình quân 13,5% so với cùng kỳ. 

 Nguồn: MAS

MAS đánh giá đây là mức tăng trưởng thấp so với tăng trưởng năm 2022 là 33,6%. Ngoại trừ các ngân hàng đặt mục tiêu cao như VPB và STB, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng lớn chỉ thể hiện mức tăng trưởng mục tiêu 10,2%. Trong quý I/2023, có thể thấy thu nhập lãi ròng (NII) là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận, trong khi thu nhập thuần từ dịch vụ (NSI) và thu nhập thuần khác (NOI) không quá khả quan. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng lần lượt 11,9% và 17,1% cùng kỳ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhóm phân tích nhận định diễn biến của chất lượng tài sản sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập năm 2023.

Theo đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2023, dựa trên 4 giả định. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu và tổng nợ xấu tăng đáng kể trong 5 quý liên tiếp vừa qua. Thứ hai, sự suy giảm của tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR. Thứ ba,  lo ngại về nợ xấu gia tăng đáng kể do lượng lớn TPDN sắp đáo hạn, đặc biệt là trong quý III/2023, quý II và quý IV/2024. Cuối cùng là sự bất định của các điều kiện vĩ mô. 

Ngược lại, việc cắt giảm lãi suất và ổn định tỷ giá hối đoái được kỳ vọng tạo ra lợi nhuận trong các hoạt động mua bán ngoại hối và các loại trái phiếu nói chung. Ngoài ra, sự phục hồi tạm thời của thị trường TPDN cũng có thể tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các nhà tạo lập thị trường lớn như TCB, VPB, MBB, TPB…

Hơn nữa, MAS cũng kỳ vọng những thay đổi trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng sẽ cho các ngân hàng thương mại có thêm thời gian xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, nhóm phân tích đánh giá các yếu tố khách quan này chỉ mang tính chất tạm thời và đơn lẻ, triển vọng trung hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế.