OCB: Nợ xấu tăng kéo theo áp lực trích lập, sức ép cho mục tiêu lợi nhuận hơn 5.000 tỷ

OCB báo lãi trước thuế 893 tỷ đồng trong quý I/2025, hoàn thành 17% mục tiêu lợi nhuận năm
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của OCB, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm của ngân hàng đạt 893 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ 2024 và giảm 39% so với quý liền trước.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 2.273 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2024 và giảm 29% so với quý IV/2024. Đóng góp chủ yếu vào tổng thu nhập hoạt động quý này là nguồn thu nhập lãi gần 2.164 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng hơn 95% trong tổng thu nhập hoạt động.
Sự khởi sắc của thu nhập lãi đến từ quy mô tín dụng mở rộng, với tăng trưởng tín dụng tại thời điểm kết thúc quý I/2025 của OCB đạt 2,5% so với đầu năm. Trong khi danh mục cho vay doanh nghiệp tăng trưởng giảm tốc, tăng 2,2% (so với mức tăng 5,3% của quý I/2024) và chiếm 67% tổng dư nợ thì tín dụng bán lẻ lại ghi nhận kết quả tích cực hơn đáng kể svck với mức tăng trưởng 2,3% (so với mức giảm -2,4% của cùng kỳ năm ngoái).
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi chiếm chưa đầy 5% tổng thu nhập hoạt động và suy giảm mạnh 72% so với cùng kỳ. Trong quý, OCB ghi nhận khoản lỗ thuần gần 100 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư (mua bán TPCP) trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 15 tỷ đồng. Cùng đó là sự sụt giảm của nguồn thu nhập từ kinh doanh ngoại hối (7 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ).
Cùng với mức tăng đáng kể (15%) của chi phí hoạt động do chi phí nhân sự và chi phí quản lý công vụ đều gia tăng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý I đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ, đạt 1.271 tỷ đồng.
Trong quý, OCB dành 378 tỷ đồng trích lập dự phòng, tăng 85% so với cùng kỳ. Sau trích lập, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 893 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 17% mục tiêu cả năm.
Một điểm sáng trong quý là sự mở rộng của huy động với tiền gửi khách hàng tăng 6,1% so với đầu năm. Nguồn tiền gửi không kỳ hạn cải thiện tích cực quý thứ ba liên tiếp, đưa tỷ lệ CASA tại OCB lên 15,6%. Ngoài ra, huy động qua kênh GTCG (phát hành chứng chỉ tiền gửi) cũng tăng mạnh 15,6% so với đầu năm.
Theo Tổng Giám đốc OCB Phạm Hồng Hải, nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh quý I/2025 của ngân hàng chưa đạt kỳ vọng là do nợ xấu tăng, cụ thể là nợ có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân trong bối cảnh nền kinh tế kém khởi sắc và nhóm khách hàng này chịu tác động nặng nề. Cùng đó, việc tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chuyển đổi số và phát triển mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc cũng tạm thời khiến lợi nhuận ngân hàng mỏng đi trong ngắn hạn.
Theo BCTC, dư nợ xấu tại OCB tính đến 31/3/2025 (chưa bao gồm nợ chờ xử lý TSBĐ) tăng hơn 1.400 tỷ đồng (tương ứng tăng gần 27%) so với đầu năm lên gần 6.851 tỷ đồng, tương đồng với xu hướng chung của nhiều ngân hàng trong hệ thống. Trong đó, dư nợ nhóm 3 tăng 52%, dư nợ nhóm 4 tăng 29% và dư nợ nhóm 5 tăng 15%. Dư nợ nhóm 5 hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 44% trong tổng dư nợ xấu chưa bao gồm nợ chờ xử lý TSBĐ tại OCB.
Với mức tăng đáng kể của dư nợ xấu trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (chưa bao gồm nợ chờ xử lý TSBĐ) trên tổng dư nợ đã tăng lên khoảng 3,9% từ mức khoảng 3,17% hồi đầu năm.
Nếu tính cả nợ chờ xử lý TSBĐ, tỷ lệ nợ xấu ước khoảng 4,56% so với mức khoảng 4,02% vào đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (bao gồm nợ chờ xử lý TSBĐ) giảm xuống mức 30,5%.
Dù vậy, dư nợ chờ xử lý TSBĐ tại thời điểm 31/3/2025 đã giảm 22% so với đầu năm, cho thấy nỗ lực đẩy nhanh xử lý tài sản gán nợ của ngân hàng.
Trong một nhận định mới đây, các chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá chất lượng tài sản của OCB bộc lộ sự suy giảm khi nợ xấu hình thành ròng quý này tăng trở lại lên hơn 1,6 nghìn tỷ đồng (so với mức hơn 1,1 nghìn tỷ đồng của quý IV/2024).
Cùng đó, trong quý I/2025, mức trích lập dự phòng 378 tỷ đồng của OCB dù tăng mạnh 85% so với cùng kỳ nhưng đã giảm 46% so với quý liền trước; do quý I/2024 là thời điểm OCB trích lập rất thấp (chỉ khoảng 200 tỷ đồng so với mức trung bình 4 quý năm 2024 là 560 tỷ đồng). Việc nợ xấu gia tăng bào mòn tỷ lệ bao phủ nợ xấu đòi hỏi OCB phải tăng mức trích lập dự phòng trong các quý tới nếu muốn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Nhìn chung, theo VDSC, diễn biến chất lượng tài sản suy giảm cùng với chi phí hoạt động gia tăng cho chiến lược chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 đạt 33% của ngân hàng.
Năm nay, OCB đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13%, tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%, tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2024, đạt 5.338 tỷ đồng.