Chứng khoán Mỹ khả năng sẽ đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo"

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+) 07:33 | 08/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia nhận định trong giai đoạn tới, lãi suất cao hơn sẽ gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng, công nghệ, truyền thông, vì vậy, Phố Wall có khả năng sắp đối mặt một “cơn bão hoàn hảo."

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán Phố Wall đã có một màn trình diễn tương đối xuất sắc trong bảy tháng đầu năm 2023, với mùa báo cáo thu nhập giữa năm tốt hơn mong đợi đã tạo tâm lý phấn chấn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng dựa theo số liệu thu thập từ vài thập kỷ qua, tháng Tám thường là một tháng không mấy rực rỡ cho chứng khoán Phố Wall.

Sự nhiệt tình của thị trường trước đó được thúc đẩy bởi nhận định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả mà không gây ra suy thoái.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tạm biệt tháng Bảy với mức tăng 21% tính từ đầu năm. Đó là mức tăng lớn nhất cho bất kỳ giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 nào trong 26 năm qua, theo dữ liệu từ S&P Dow Jones Indices.

Vào cùng giai đoạn, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tiến hơn 7%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite nhảy vọt tới 44%. Cùng với Nasdaq Composite, S&P 500 đã ghi nhận tháng tăng điểm thứ năm liên tiếp và đánh dấu chuỗi tăng theo tháng dài nhất kể từ năm 2021.

Theo giới quan sát, mức tăng trên phần lớn được thúc đẩy bởi cái gọi là “Magnificent Seven” - nhóm 7 cổ phiếu được ưa chuộng nhất, một phần vì vai trò của các công ty này trong việc phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhóm trên bao gồm những “người khổng lồ” công nghệ Nvidia, Apple, Amazon, Alphabet, Meta Platforms, Microsoft và Tesla.

Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến khi kết thúc tháng Bảy, cổ phiếu của Nvidia đã tăng giá tới 220%, Meta Platforms tăng 165% và Tesla tăng 117%.

Mùa thu nhập khả quan hơn dự đoán cũng giúp nâng đỡ chứng khoán Mỹ. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường Refinitiv Lipper, khoảng 81% trong số 292 công ty thuộc nhóm S&P 500 đã báo cáo kết quả quý 2/2023 trên mức kỳ vọng của giới phân tích.

Sự phục hồi của thị trường đã mở rộng trong những tháng gần đây khi Phố Wall ngày một lạc quan rằng lạm phát đang hạ nhiệt, nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái và Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Fed đã đạt được những tiến bộ to lớn trong kiểm soát lạm phát tại Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu của nước này chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu so với mức kỷ lục 9,1% hồi năm 2022 và cách không xa mục tiêu dài hạn 2% của Fed.

Phố Wall cũng tăng điểm ngay cả khi Fed đưa ra một đợt tăng lãi suất nữa trong tháng Bảy, đẩy lãi suất lên mức cao nhất 22 năm là 5,25-5,5%.

Hiện tại, giới nhà đầu tư đang đặt cược rằng Fed chỉ có 32% khả năng tăng lãi suất trở lại vào tháng 11 tới.

Khởi đầu của Phố Wall trong tháng Tám không mấy lạc quan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo dữ liệu do chuyên trang theo dõi thị trường chứng khoán Mỹ Stock Trader's Almanac tổng hợp, tháng Tám thường là tháng tồi tệ thứ hai trong năm đối với các chỉ số S&P 500 và Nasdaq, đồng thời là tháng tồi tệ nhất đối với Dow Jones trong 35 năm qua.

Phân tích của trang web cũng cho thấy tháng Tám trước năm bầu cử Tổng thống thường có hiệu suất đặc biệt yếu hơn.

Số liệu do công ty dịch vụ tài chính LPL Financial tổng hợp cũng cho thấy kể từ năm 1950, S&P 500 có lịch sử đi ngang vào tháng Tám và chỉ tăng trung bình 0,6%.

Ông Adam Turnquist, chiến lược gia trưởng tại LPL Financial cho hay với việc cổ phiếu liên tiếp tăng từ đầu năm 2023 cho đến nay kết hợp cùng xu hướng theo mùa tương đối yếu trước mắt, tháng Tám có thể là thời điểm hợp lý để đà tăng tạm dừng hoặc thậm chí suy giảm.

Cũng theo chiến lược gia này, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào tháng Chín, vốn cũng là tháng tồi tệ nhất đối với thị trường dựa theo lịch sử.

Khởi đầu của Phố Wall trong tháng Tám cũng không mấy lạc quan. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm bốn phiên liên tiếp tính đến phiên 4/8 và ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn bốn tháng qua.

Tính chung cả tuần, Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt giảm 2,9% và 2,3% - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2023, còn Dow Jones mất 1,1%.

Theo giới quan sát, việc Fitch hạ bậc xếp hạng nợ nước ngoài dài hạn của Mỹ là một lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và đẩy các chỉ số trượt dốc trong tuần trước.

Ông JC Parets, người sáng lập nền tảng phân tích thị trường Allstarcharts.com nhận định trong giai đoạn tới, lãi suất cao hơn sẽ gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng, công nghệ, truyền thông. Vì vậy, thị trường có khả năng sắp đối mặt một “cơn bão hoàn hảo."

Bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược toàn cầu của LPL Financial thận trọng rằng nhà đầu tư không nên bị cuốn theo tâm lý hưng phấn hiện thời trên thị trường liên quan tới những tiến bộ của Fed về kiểm soát lạm phát.

Bà lưu ý chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, vẫn tăng 4,1% trong tháng Sáu và cao hơn dự kiến của thị trường là 4,2%.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ Hội nghị về chính sách kinh tế tổ chức tại Jackson Hole trong thời gian từ ngày 24-26/8 để tìm thêm những gợi ý từ Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng lạm phát, nền kinh tế Mỹ và chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương này./.