Các ngân hàng Mỹ có 650 tỷ USD lỗ chưa thực hiện, Phố Wall lo sẽ có thêm những SVB khác
Giá trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc đã khiến Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vào tháng 3. Phố Wall có lý do để lo sợ rằng cú sốc này sẽ lặp lại với các ngân hàng khác.
Sự mất giá nặng nề của trái phiếu gây ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đến một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, khiến giá cổ phiếu của những nhà băng tên tuổi như Bank of America tụt dốc.
Dưới đây là một số thông tin mà Markets Insider tổng hợp về khoản lỗ chưa thực hiện khổng lồ của các ngân hàng Mỹ và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính mới do lợi suất trái phiếu gây ra.
Lỗ chưa thực hiện
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng vọt trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về hướng đi của lãi suất và tình trạng thâm hụt ngân sách đáng ngại của nước Mỹ.
Giá chứng chỉ quỹ iShares 20+ Year Treasury của BlackRock, với mục tiêu mô phỏng giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, đã lao dốc 48% kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm gần đây đã vượt qua mốc 5%, lần đầu tiên trong vòng 16 năm. Lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá.
Giá trị danh mục trái phiếu của các ngân hàng đã giảm mạnh, nhưng họ chọn nắm giữ chúng đến ngày đáo hạn thay vì bán ra. Đó là vì chỉ đến khi bán trái phiếu, các ngân hàng mới phải hạch toán khoản lỗ vào báo cáo kết quả kinh doanh. Kết quả là một số nhà băng lớn nhất của Mỹ đang ngồi trên khoản lỗ chưa thực hiện khổng lồ.
Theo ước tính của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tổng lỗ chưa thực hiện từ danh mục trái phiếu của các tổ chức tài chính Mỹ tính đến ngày 30/9 lên đến 650 tỷ USD, cao hơn 15% so với ba tháng trước. Đến tháng 10, giá trái phiếu kỳ hạn dài tiếp tục sụt giảm, đánh dấu thị trường gấu đen tối nhất trong lịch sử.
Tờ Markets Insider chỉ ra rằng Bank of America là ngân hàng lớn chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất khi trái phiếu kho bạc mất giá. Tháng trước, Bank of America tiết lộ họ có khoản lỗ chưa thực hiện hơn 130 tỷ USD vì chứng khoán. Các ngân hàng “Big Four” khác của Mỹ - bao gồm Citigroup, JPMorgan và Wells Fargo - cũng có hàng chục tỷ USD lỗ trên giấy tờ.
Khủng hoảng kiểu SVB có lặp lại?
SVB sụp đổ sau khi ngân hàng này tiết lộ khoản lỗ 1,8 tỷ USD khi bán trái phiếu, khiến các khách hàng hoảng sợ và ồ ạt đi rút tiền gửi. Tương tự, lỗ chưa thực hiện của các ngân hàng lớn đang làm dấy lên lo ngại tại Phố Wall.
Ông Larry McDonald, một chuyên gia kỳ cựu trên thị trường chứng khoán Mỹ, đăng trên mạng xã hội X: “Việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) định duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn là hết sức ngớ ngẩn. Nếu lãi suất chính sách lên đến 6%, Bank of America sẽ gần như rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán".
Các chuyên gia lưu ý rằng Bank of America chưa thực sự bị lỗ 130 tỷ USD vì danh mục trái phiếu. Khác với SVB, Bank of America chưa bán ra trái phiếu.
Ông Alastair Borthwick, Giám đốc Tài chính của Bank of America, nói với các phóng viên: “Tất cả khoản lỗ chưa thực hiện của chúng tôi đều đến từ trái phiếu được chính phủ đảm bảo. Vì chúng tôi sẽ nắm giữ số trái phiếu này cho tới khi đáo hạn, chúng tôi dự kiến mình sẽ không bị lỗ một đồng nào”.
Tuy vậy, các khách hàng của Bank of America có thể sẽ thấy hoảng sợ và đồng loạt rút tiền khỏi tài khoản, giống như những gì xảy ra với SVB.
Nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra. Trên thực tế, lượng tiền gửi tại Bank of America đã tăng lên sau khi ngân hàng mở thêm 200.000 tài khoản cho khách trong quý III.
Một số nhà phân tích tin rằng thị trường trái phiếu đã vượt qua giai đoạn bán tháo tồi tệ nhất, bởi Fed đang phát đi tín hiệu rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ đã gần kết thúc. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng đã giảm nhẹ từ mức 5% xuống khoảng 4,6% trong ngày 7/11.
Ngân hàng chịu áp lực
Tuy vậy, nhóm ngân hàng Big Four vẫn sẽ phải để mắt đến sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu. Trong báo cáo được công bố năm 2023, các nhà nghiên cứu từ chi nhánh Kansas của Fed phát hiện rằng các khoản lỗ trên giấy tờ vẫn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu ngân hàng. Lý do là chúng khiến các nhà đầu tư đánh giá xấu về sức khỏe tài chính của các nhà băng.
Đây là điều đã xảy ra trong năm nay, với ba trong số 4 cổ phiếu nhóm “Big Four” tuột dốc. Bank of America bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 24% trong vòng một năm qua và 14% kể từ đầu năm 2023.
Ông Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell, viết trong lưu ý tuần trước: “Sự bất an về lỗ chưa thực hiện đối với trái phiếu chính phủ đang đè nặng lên các ngân hàng Mỹ. Tình trạng này phản ánh nỗi lo về đà tăng của lãi suất và liệu Fed có thắt chặt chính sách quá nhiều trong quá lâu không”.
Các khoản lỗ chưa thực hiện có thể sẽ không sớm kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Nhưng chừng nào giá cổ phiếu ngân hàng vẫn sụt giảm, chúng vẫn sẽ phản ánh nỗi lo của Phố Wall về những nhà băng lớn nhất nước Mỹ.