Chứng khoán phố Wall bật tăng sau quyết định nâng lãi suất từ FED
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 436,05 điểm, tương đương gần 1,4%, lên 32.197,59 điểm trong khi S&P 500 tăng 2,62%, đóng cửa ở mức 4.023,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sở trường công nghệ tăng 4,06% lên 12.032,42 điểm khi cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường nhờ mức tăng ấn tượng từ nhóm vốn hóa lớn như Alphabet và Microsoft.
Cổ phiếu công ty mẹ Google - Alphabet - tăng khoảng 7,7% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý của gã khổng lồ công nghệ cho thấy doanh thu mạnh mẽ từ hoạt động kinh doanh tìm kiếm chính. Cổ phiếu Microsoft cũng bật tăng gần 6,7% sau khi báo cáo mức tăng trưởng doanh thu leo dốc 40% cho Azure và các dịch vụ đám mây.
Cùng với đà tăng chung của nhóm công nghệ, cổ phiếu của Meta Platforms đã tăng gần 6,6% dù báo cáo kết quả kinh doanh của gã khổng lồ mạng xã hội được công bố sau thời điểm chốt phiên giao dịch. Ngoài ra, cổ phiếu Amazon tiến hơn 5% và Apple tăng 3,4%.
Cổ phiếu bán lẻ cũng lấy lại đà tăng sau khi động thái của FED làm giảm nhẹ quan ngại lạm phát. Cổ phiếu Walmart, công ty dẫn đầu mức giảm của lĩnh vực bán lẻ trong phiên trước, tăng khoảng 3,8%. Các cổ phiếu của Kohl’s, Ross Stores và Costco đều tiến hơn 2%.
Cả 3 chỉ số chứng khoán trên phố Wall tăng vào thời điểm Chủ tịch FED Jerome Powell thông báo mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) để kiềm chế lạm phát đạt đỉnh. Vị này đồng thời gợi ý rằng đà tăng lãi suất rồi cuối cùng sẽ chậm lại: “Khi lập trường chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn nữa, có thể làm chậm tốc độ tăng (lãi suất) sẽ phù hợp hơn khi chúng tôi đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách trong thời gian qua tới nền kinh tế và lạm phát”.
Thị trường cũng có thêm động lực lạc quan sau khi Chủ tịch Powell khẳng định niềm tin của ông rằng kinh tế Mỹ hiện chưa rơi vào suy thoái, nhiều lĩnh vực vẫn đang duy trì hoạt động mạnh mẽ. "Hãy nghĩ xem suy thoái là gì: đó là một sự sụt giảm trên diện rộng trên nhiều ngành, kéo dài hơn một vài tháng. Hiện tại, tình hình có vẻ như không phải như vậy. Lý do chủ yếu là thị trường lao động đang phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về sức mạnh của nền kinh tế, đến mức nó khiến bạn đặt câu hỏi về dữ liệu tăng trưởng GDP".
Ông Gargi Chaudhuri, chuyên gia chiến lược đầu tư iShares từ Quỹ BlackRock nhận định: “Điều làm giảm áp lực lên tâm lý thị trường là việc FED thừa nhận rằng (chính sách tiền tệ của họ) có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Họ nhận ra hai mặt của việc siết chính sách tiền tệ: có thể phải đánh đổi tăng trưởng trong cuộc chiến chống lạm phát. Sự công nhận đó là điều mà chúng ta đến hôm nay mới được nghe từ FED”.
Mặc dù một cuộc suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là tăng trưởng GDP giảm tốc hai quý liên tiếp, nhưng Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ gần đây khẳng định sẽ sử dụng nhiều yếu tố khác để xác định liệu nền kinh tế đã thực sự rơi vào suy thoái hay chưa. Mỹ sẽ công bố dữ liệu tăng trưởng GDP quý II vào ngày 28/7 (giờ địa phương).