Chứng khoán phố Wall có thể bước vào đợt sụt giảm đến giữa năm 2023

Nguyễn Thị Thùy Dung 10:17 | 03/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gánh trên vai một trọng trách lớn: siết phanh dần dần nền kinh tế đủ để kiểm soát lạm phát đang tăng nóng mà không rơi vào suy thoái. Thị trường chứng khoán đang lo sợ, có nguy cơ bước vào một đợt sụt giảm kéo dài đến giữa năm sau.

Nguy cơ FED đưa kinh tế Mỹ bước vào suy thoái

Sau những phát ngôn “diều hâu” gần đây của các quan chức FED về khả năng siết chính sách tiền tệ mạnh tay hơn, thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách tiền tệ giữa tuần này.

Nhưng sau khi tăng trưởng GDP quý I của Mỹ bất ngờ rơi xuống lãnh thổ âm (-1,4%), ngày càng xuất hiện nhiều quan ngại rằng những đợt tăng lãi suất mạnh tay và liên tiếp của FED sẽ đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

“Suy thoái kinh tế ở giai đoạn này là điều gần như không thể tránh khỏi” cựu Chủ tịch FED Roger Ferguson trả lời tờ CNBC trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/5. “Rất không may, tôi nghĩ rằng xác suất xảy ra suy thoái là rất, rất cao bởi công cụ điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát của FED là rất đơn giản. Tất cả những gì họ có thể làm là kiểm soát tổng cầu”, ông Ferguson cho hay.

Trong khi đó, yếu tố cơ bản dẫn đến lạm phát tăng nóng tại Mỹ cũng như trên toàn cầu hiện nay chủ yếu đến từ phía cung, khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ngày một trầm trọng hơn do tác động của chiến sự ở Ukraine hay việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero COVID…

Trước đó, các quan chức FED đã dành phần lớn năm 2021 trấn an thị trường rằng lạm phát là vấn đề tạm thời của nền kinh tế, chỉ để sau đó thừa nhận rằng lạm phát là vấn đề dai dẳng hơn họ dự báo.

Giờ đây, FED phải khắc phục những sai lầm trong quá khứ bằng một lộ trình tăng lãi suất gấp gáp hơn. Một số dự báo thậm chí cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 0,75% vào tháng 6 trước khi trở lại với lộ trình tăng nhẹ nhàng hơn. Như vậy, lãi suất cơ bản của nền kinh tế sẽ được đưa lên mức khoảng 3% vào cuối năm nay.

Nhiều khả năng ngân hàng trung ương cũng sẽ thông báo các biện pháp giảm quy mô bảng cân đối kế toán - vốn đã phình to gấp hơn 2 lần trong 2 năm qua. Cuộc tranh luận về suy thoái ở Phố Wall gần đây đã nóng lên. 

Để không đưa thị trường vào một cơn thịnh nộ của thị trường (thuật ngữ chuyên môn là taper tantrum), Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ cần phải thuyết phục công chúng rằng các nỗ lực bóp nghẹt đà tăng nóng của lạm phát sẽ không đồng thời thổi bay tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế vào suy thoái.

Ông Danielle DiMartino Booth, Giám đốc điều hành của Quill Intelligence nhận định:“Điều đó có nghĩa là FED cùng lúc vừa phải tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán đủ để hạ nhiệt lạm phát, vừa phải thuyết phục thị trường chấp nhận những tác động kinh tế đi kèm. Đó sẽ là một thông điệp vô cùng khó truyền đạt”.

Dự báo chứng khoán Mỹ ‘lao đao’ đến giữa năm 2023

Những quan ngại về một lộ trình tăng lãi suất dốc đứng đang khiến nỗi lo sợ bao trùm phố Wall. Cả S&P 500 và Nasdaq đã trải qua tháng 4 tồi tệ, trong đó Nasdaq Composite giảm 13,27% trong đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 còn S&P 500 mất 8,83%. So với mức đỉnh hồi tháng 11/2021, Nasdaq Composite đã mất 4 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường đến nay. 

Chứng khoán phố Wall đã trải qua tháng 4 ngập tràn sắc đỏ (Ảnh: Fox Business)

Các nhà phân tích kinh tế học dự báo những chuỗi ngày “đau khổ” chưa chấm dứt trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Bất chấp sự phục hồi trong phiên 2/5 của các cổ phiếu công nghệ; Giám đốc tiền tệ Dan Suzuki của Richard Bernstein Advisors nhận định phố Wall có thể đang trong giai đoạn đầu của một đợt sụt giảm nghiêm trọng.

“Hãy nhìn vào bức tranh lịch sử của những lần bong bóng chứng khoán trước đây. Đa số chúng không được “sửa sai” một cách êm ả… Thường là những đợt điều chỉnh lớn, thổi bay khoảng 50% giá trị thị trường hoặc hơn thế nữa”, ông Dan Suzuki cho hay.

Theo vị cựu chiến lược gia thị trường của Bank of America-Merrill Lynch, các cổ phiếu công nghệ thông tin, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng - vốn là những cổ phiếu dự kiến chịu tác động mạnh bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của FED - đang chiếm khoảng một nửa vốn hóa thị trường của S&P 500. 

Còn các chuyên gia từ Capital Economics thì cho rằng sự sụt giảm giá cổ phiếu sẽ không kết thúc cho đến giữa năm 2023. Nhìn lại lịch sử, Capital Economics cho rằng mọi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED thường khiến thị trường chứng khoán lao đao, và chỉ phục hồi đáng kể khi chu kỳ này gần kết thúc.

Trong khi đó, môi trường địa chính trị toàn cầu bất ổn do căng thẳng Nga - Ukraine càng đặt thị trường vào tâm lý lo sợ rủi ro. “Tất cả các yếu tố khiến chúng tôi dự báo rằng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục mất điểm trong phần còn lại của năm nay và trong ít nhất nửa năm 2023 tới. Khi chu kỳ thắt chặt gần kết thúc, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến ​​một đợt phục hồi mạnh”, báo cáo của Capital Economics nêu rõ.