CPI 4 tháng đầu năm tăng 2,1%: Áp lực kiểm soát lạm phát rất lớn
CPI tháng 4 tăng 2,64%, thúc đẩy bởi nhóm văn hóa, giải trí và du lịch
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước.
Đóng góp vào mức tăng 0,18% của CPI tháng 4/2022 là chỉ số giá tăng của 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất (1,16%) do giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 5,22% so với tháng trước do nhu cầu du lịch tăng trở lại. Nhóm giáo dục cũng tăng 0,96%, làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm do một số địa phương tăng học phí trở lại sau thời gian miễn, giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,58% do mức tăng của giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, giá tiền thuê nhà; giá gas, giá dầu hỏa. Bù lại, giá điện sinh hoạt tháng 4 giảm 0,41%; giá nước sinh hoạt giảm 2,11%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32% do chủ yếu ở các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè như giá máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện, tủ lạnh... Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân như máy dùng điện chăm sóc cá nhân; dụng cụ cá nhân không dùng điện; dịch vụ hiếu hỉ.
Ngoài ra, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.
Ở chiều ngược lại, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% (làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm); nhóm giao thông giảm 0,59% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 01/4/2022, 12/4/2022 và 21/4/2022 làm cho giá xăng giảm 2,5%; giá dầu diezen tăng 7,01% và cuối cùng, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,12%.
Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,44% so với tháng 3 và tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn đáng kể so với mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng thời gian qua chủ yếu do giá các mặt hàng dễ biến động không tính vào CPI cơ bản, mà cụ thể là giá xăng, dầu.
Dự báo áp lực lạm phát tăng đến giữa năm 2023, cần kiểm soát tốt nguồn cung
Tại tọa đàm Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới diễn ra sáng 27/4, TS. Trần Toàn Thắng (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) nhận định nền kinh tế thế giới đang đối diện nhiều thách thức đáng kể khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dịch COVID-19 bùng phát khiến Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm dịch.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguồn cung bị thiếu hụt, sức ép nguồn cung đẩy giá năng lượng quốc tế lên cao, gây áp lực mạnh lên giá cả; lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhanh. Ở trong nước, sức ép lạm phát cũng ngày một tăng, chủ yếu do lạm phát nhập khẩu.
TS. Trần Toàn Thắng nhận định rằng bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có thể tác động làm tăng lạm phát đến khoảng giữa năm 2023 trước khi hạ nhiệt.
Tương tự, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng khuyến nghị cơ quan chức năng đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. "Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước", các chuyên gia từ VEPR cảnh báo.
Đặc biệt, VEPR cho rằng cần thiết nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn, giãn việc tăng thuế phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Đồng thời, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.
VEPR dự báo trong thời gian tới, nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn, do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng. Do vậy, rất cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu cũng như tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch.