Kinh tế thế giới chịu đòn giáng kép, nhiều nước lo rủi ro lạm phát và vỡ nợ

Lê Thị Xuân Phương 07:00 | 27/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh các nền kinh tế chưa kịp phục hồi sau đại dịch, tình trạng gián đoạn cung ứng thêm trầm trọng trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi lập trường Zero-COVID và chiến sự ở Ukraine đã gia tăng áp lực lên cân bằng cung - cầu, lạm phát và đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Chuỗi cung ứng toàn cầu "gặp hạn"

Ông Jacques Vandermeiren, giám đốc điều hành cảng Antwerp, một trong những bến cảng bận rộn nhất châu Âu gần đây cho biết: “Chúng tôi dự đoán hệ lụy từ việc ùn ứ, gián đoạn cung ứng do những diễn biến ở Trung Quốc sẽ gây tác động tiêu cực cho cả năm 2022."

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng góp khoảng 12% thương mại toàn cầu. Do đó, khi nước này duy trì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, các hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa đang ngưng trệ, làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn đã rất căng thẳng sau đại dịch.

Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính - kinh tế hàng đầu Trung Quốc, đã bị phong tỏa khoảng 1 tháng và chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Tại nhiều thành phố khác của Trung Quốc, chính quyền địa phương đã công bố những biện pháp hạn chế di chuyển riêng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhà máy xe điện của Tesla đặt tại Thượng Hải đã ngừng hoạt động cae tháng nay.  Nhà bán lẻ Bed Bath & Beyond hồi đầu tháng 4 cho biết lượng hàng tồn kho đang tăng cao bất thường vì những khó khăn trong vận chuyển khiến hàng bị giữ tại cảng.

Alcoa, gã khổng lồ cung ứng nhôm hàng đầu thế giới tuần trước cũng báo cáo tình trạng các container nguyên liệu bị ùn ứ, thời gian vận chuyển kéo dài. Còn Continental, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn thứ hai châu Âu, thậm chí phải hạ dự báo tăng trưởng sản lượng xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ toàn cầu năm nay xuống mức 4 - 6% thay vì mức dự báo trước đó là 6 - 9%.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 3 của Trung Quốc, một chỉ báo kinh tế quan trọng giúp đo lường "sức khỏe" ngành sản xuất của Trung Quốc do Caixin công bố chỉ đạt 48,1 điểm, tức dưới ngưỡng trung lập 50 điểm, thể hiện sự thu hẹp hoạt động của ngành. Con số phản ánh một phần bức tranh những cái giá về kinh tế mà Trung Quốc phải chấp nhận khi theo đuổi Zero-COVID.

Nhiều nền kinh tế thiệt hại vì xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters

Cùng lúc đó, xung đột nổ ra tại Ukraine kèm theo lệnh trừng phạt mà các quốc gia phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế Nga tiếp tục là một "cú sốc" khác làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nguy cơ đứt gãy nghiêm trọng. Các lệnh cấm vận đường không và đường biển giữa Nga và phương Tây đang cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng và đẩy chi phí vận tải tăng cao.

Áp lực ngày một tăng từ lạm phát và gánh nặng nợ 

Chuỗi cung ứng đứt gãy trong khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch đã đẩy cao sự mất cân bằng cung cầu, khiến thế giới phải đối phó với tình trạng lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế cho thấy, tại khu vực Mỹ - Âu và các nền kinh tế tiên tiến, 60% các quốc gia hiện ghi nhận tỷ lệ lạm phát hàng năm trên 5%. Đây là tỷ lệ lạm phát cao chưa từng có kể từ những năm 1980.

Lạm phát tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 3 đạt mức 8,5% - cao nhất kể từ năm 1981. Ở Anh, lạm phát đang ở mức cao nhất trong ba thập kỷ, trong đó giá thực phẩm tăng 5,9%, cao nhất trong một thập kỷ. Tại khu vực Eurozone lạm phát đã tăng lên 7,5% vào tháng 3, từ mức 5,9% của tháng 2. Còn tại Nga, lạm phát đã tăng lên 17,49%, cao nhất trong 20 năm qua. 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong năm nay đạt 7,7% và khu vực đồng euro là 5,3%. Đây đều là những con số đáng quan ngại.

Tình trạng giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như năng lượng, phân bón, thực phẩm, kim loại... tăng cao trong lạm phát đang tác động trầm trọng đến người tiêu dùng. Trong tháng 2/2022, Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng 2 và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trước khi chiến sự bùng nổ, Nga không chỉ là nhà cung cấp dầu, khí đốt và kim loại quan trọng của toàn cầu, mà Nga cùng Ukraine còn được xem là “giỏ bánh mì” của thế giới khi cung cấp khoảng 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận, vào đầu tháng 3, Hiệp hội ngũ cốc Nga thông báo xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã giảm 60%. Còn Ukraine đã ngừng xuất khẩu ngũ cốc do tình hình chiến sự.

Đó là chưa kể trong kịch bản lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ Nga được thông qua, thị trường dầu khí châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ bị tác động nghiêm trọng. 

Không riêng các nền kinh tế phát triển, các nước đang phát triển cũng có nguy cơ chịu gánh nặng giá cả khủng khiếp khi lạm phát tăng. Nguồn tài chính của các nước đang phát triển vốn đã cạn kiệt khi phải đối phó với dịch COVID-19, nay càng bị đe dọa hơn bởi áp lực giá cả. Nhiều nước thậm chí đã tích lũy núi nợ. Theo IMF, tổng vay nợ của các Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn thế giới đã tăng lên mức 256% GDP, mức chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20

Ông Vitor Gaspar - Giám đốc các vấn đề tài khóa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết: "Gần 60% các nước đang phát triển có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh đối diện nguy cơ vỡ nợ".

Triển vọng kinh tế nhiều thách thức

Dòng tàu chở hàng ùn ứ khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa toàn thành phố vào cuối tháng trước để kiểm soát dịch. Ảnh: Reuters

Những dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ngày càng ảm đạm khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và Trung Quốc tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,6% trong cả năm 2022 và 2023, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6,1% đạt được trong năm 2021. Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 3,7%, Trung Quốc là 4,4%, EU là -2,8%, Nga là -8,5% và Ukraine là -35% cho năm 2022.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% trong năm 2022, đồng thời điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng riêng cho 143 quốc gia trên thế giới. 

Đại diện IMF cho biết: “Nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Xung đột Nga - Ukraine sẽ cản trở sự phục hồi toàn cầu, làm chậm lại tăng trưởng và gia tăng lạm phát hơn nữa”.