Chuyển đổi công nghệ từ đốt than sang khí LNG cho Trung tâm điện lực Vũng Áng 3: Hà Tĩnh tiếp tục trình chính phủ

07:00 | 20/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đã đề xuất nhưng chưa được sự đồng ý, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có tờ trình Chính phủ về việc chuyển đổi công nghệ từ sử dụng nhiên liệu đốt than công nghệ truyền thống sang tổ hợp điện khí LNG.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – Võ Trọng Hải vừa ký tờ trình số 6812/UBND-K2 gửi Chính phủ về việc xem xét, đồng ý phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đối với dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 từ nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống sang tổ hợp điện khí LNG.

Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng được quy hoạch 4 dự án Nhà máy nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Formosa, Vũng Áng I, Vũng Áng II và Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh (gồm 2 Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.2).

Hiện nay, dự án Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200MW) và Nhiệt điện Formosa (650MW) đã đi vào vận hành, khai thác với tổng công suất là 1.850MW (trong quy hoạch là 2.450MW); Dự án Nhà máy Nhiệt điện II (1200MW) đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công. Riêng dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh (Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và Nhà máy nhiện điện Vũng Áng 3.2) công suất 2.400MW, hiện nay chưa có nhà đầu tư.

Một nhà máy điện khí LNG

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, có nội dung quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tại KKT Vũng Áng và sự cố môi trường biển năm 2016 (để lại hậu quả nặng nề đối với kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh trật tự của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực) đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc phải tính đến sức chịu tải của môi trường tại KKT Vũng Áng và vùng phụ cận. Do đó, trong quá trình rà soát, lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Công ty tư vấn BCG (Boston Consulting Group - một trong những Công ty tư vấn hàng đầu của Mỹ) đã khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tổng hợp mối tương quan và ảnh hưởng giữa phát triển kinh tế với môi trường, an ninh trật tự và xã hội... để đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ phù hợp đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài.

Trên cơ sở nghiên cứu của tư vấn, soát xét của các sở, ngành chức năng, tại cuộc làm việc nguy 04/3/2020, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan một số nội dung cùng với báo cáo làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2020, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương “cho phép Hà Tĩnh chuyển đổi Dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh (Nhà máy nhiện điện Vũng Áng 3.1 và Nhà máy nhiện điện Vũng Áng 3.2) tại Khu kinh tế Vũng Áng sử dụng than sang sử dụng khí và nâng công suất lên gấp đôi... để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư”.

Một góc KKT Vũng Áng

Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 12/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, theo đó, đối với kiến nghị của Hà Tĩnh nêu trên:“trong khi chưa hoàn thành lập Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương xem xét theo Quy hoạch điện VII, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, đồng bộ và hiệu quả chung, hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Quá trình thực hiện nội dung đề nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch Dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và tăng công suất từ 2.400MW lên 4.500MW, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có các Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 6198/UBND-KT, ngày 15/9/2020, Văn bản số 400TTr-UBND ngày 06/11/2020) và gửi Bộ Công Thương (Văn bản số 6199/UBND-KT, ngày 15/9/2020, Văn bản số 401/TT-UBND ngày 06/11/2020, Văn bản số 1412/UBND-KT, ngày 15/3/2021, Văn bản số 3500/UBND-KT, ngày 08/6/2021).

Với những lý do cấp thiết và quá trình đề xuất, kiến nghị tại các Văn bản nêu trên, để tạo điều kiện cho tỉnh Hà Tĩnh xây dựng KKT Vũng Áng thành trung tâm công nghiệp, điện lực, cảng biển nước sâu của khu vực Miền Trung và cả nước, phát triển đồng bộ, bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ, đảm bảo môi trường sinh thái, an ninh trật tự tại KKT Vũng Áng và khu vực lân cận, UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan để sớm hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 - Hà Tĩnh từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và nâng công suất từ 2.400MW lên 4.500MW theo hồ sơ đã trình.

Theo tìm hiểu, dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 hiện đã có 6 nhà đầu tư có văn bản chính thức đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh khảo sát, nghiên cứu đầu tư chuyển đổi sang sử dụng khí LNG bao gồm Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T - Tổng Công ty Điện lực Dầu Khí Việt Nam; Tập đoàn Vingroup; Liên danh Công ty TNHH Siemens Gas & Power (CHLB Đức) - Công ty Samsung C&T (Hàn Quốc); Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng…

Được biết, Bộ Công Thương hiện  đang rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; để tạo điều kiện cho tỉnh Hà Tĩnh xây dựng khu kinh tế Vũng Áng thành trung tâm công nghiệp, điện lực và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, phát triển đồng bộ, bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ, đảm bảo môi trường sinh thái; UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thẩm định điều chỉnh, bổ sung dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 – Hà Tĩnh từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và nâng công suất từ 2.400MW lên 4.500MW trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xem thêm: Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng