Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân 22%/năm

Trang Mai 14:13 | 26/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng để triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Tại Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế diễn ra mới đây, lãnh đạo Nhà nước cùng các tổ chức đã dành sự quan tâm lớn với công cuộc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Các diễn giả nhận định, các chính sách hấp dẫn về tín dụng sẽ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chia sẻ: “Trong gần 9 tháng đầu năm, ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng đã hết sức cố gắng và bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp, với tinh thần là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng Ngân hàng.

NHNN ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng nhất dành cho sức cạnh tranh của nền kinh tế được tốt hơn và trong đó hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, cũng như là nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về thanh khoản, NHNN luôn luôn cố gắng để bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế cho các tổ chức tín dụng, được ví như mạch máu của nền kinh tế thanh khoản phải được thông suốt.

Về tín dụng, NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý và cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các ngành, các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, từ năm 2022 trở lại đây khi mà chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra trên toàn cầu với mức độ nhanh và rất mạnh, cho nên áp lực rất lớn đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ. 

Tuy nhiên, nỗ lực cố gắng của NHNN cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành và đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng thì thị trường ngoại tệ cơ bản là giữ được sự ổn định, tỷ giá cũng đã diễn biến rất phù hợp với diễn biến trong và ngoài nước.

NHNN thấy rằng, với sứ mệnh của mình thì cần phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa với các chính sách vĩ mô khác thì đảm bảo kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như là nâng cao năng lực cạnh tranh. Nền kinh tế vĩ mô ổn định cũng là một lợi thế cạnh tranh cho cả quốc gia, cũng góp phần nâng cao xếp hạng của quốc gia.

Cụ thể liên quan đến ngành trong lĩnh vực ưu tiên, trong đó có các giải pháp quyết liệt thì NHNN cũng đã có các chương trình, chính sách về tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Trong đó có các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số hay chuyển đổi số”. 

“Cụ thể, về mặt lãi suất thì 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ đã được NHNN áp dụng với mức lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất cho vay thông thường, và mức tín dụng luôn luôn được ưu tiên cho những ngành lĩnh vực được ưu tiên này, là một trong những tiêu chí để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Theo thống kế tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh theo ghi nhận của NHNN trong 5 năm qua (2017-2023), thì tăng trưởng bình quân ở mức là 22%/năm. Như vậy là gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ bình quân chung của toàn ngành. Đó là một minh chứng cho thấy tín dụng khuyến khích của NHNN cho các lĩnh vực ưu tiên là phát huy hiệu quả trên thực tế”, đại diện NHNN cho hay. 

Khẳng định tầm quan trọng của hành trình chuyển đổi xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Một nước muốn phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì kinh tế nước đó phải ổn định và phát triển. 

Việt Nam đang làm rất tốt việc này, nhất là sau đại dịch COVID-19. Chúng ta vừa kiểm soát được lạm phát, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy được tăng trưởng, vừa giữ được ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (về năng lượng, lao động, thu chi ngân sách, lao động, xuất nhập khẩu). 

Nền tảng này có vững chắc thì mới thực hiện được các chính sách tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; mới có dư địa để thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.

Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng cũng quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xanh hóa ngân hàng thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hướng dẫn nội bộ về môi trường làm việc xanh, tích cực tham gia hỗ trợ các dự án cộng đồng về môi trường.