Chuyển đổi số - con đường “sống còn” của doanh nghiệp

16:57 | 19/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong câu chuyện “ăn chia” miếng bánh doanh thu kinh tế số ngay tại thị trường trong nước.

Với sự hoàn thiện dần của hạ tầng số, Chính phủ điện tử, khung khổ pháp lý và sự hình thành xã hội số, kinh tế số đã rõ nét và tăng tốc tại Việt Nam. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp như Viettel, FPT, CMC, Vingroup, Thaco, VNG… đã khẳng định hiệu quả trong thời gian ngắn khi chuyển đổi số.

Khảo sát của Cameron và cộng sự cho thấy, có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp chế tác và 70% doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý khách hàng. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hàng chục nghìn doanh nhân trẻ đang khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan với nhiều doanh nghiệp tiên phong thì ở chiều ngược lại, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong câu chuyện “ăn chia” miếng bánh doanh thu kinh tế số ngay tại thị trường trong nước.

Chuyển đổi số - con đường “sống còn” của doanh nghiệp - ảnh 1
 Chuyển đổi số con đường “sống còn” của doanh nghiệp.
Nhìn nhận về sự tiếp cận kinh tế số của doanh nghiệp trong Việt, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: Hiện nay, Việt Nam có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp đôi, từ 1.800 doanh nghiệp năm 2016 lên khoảng 4.000 vào năm 2018. Tuy nhiên, về tổng thể về khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”.
Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký theo luật hoạt động vào năm 2020 có thể đạt hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân doanh nghiệp là rất lớn, song doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng, bằng sự quyết liệt cả trong nhận thức, trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.
Trong hành trình để các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam Nguyễn Thuỳ Dương cho rằng có 3 thách thức rất lớn. Nếu có hạ tầng tốt, các doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh. Hai là khó khăn về nguồn lực. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn loay hoay với cơm áo gạo tiền. Cho nên, việc đầu tư vào công nghệ để thay đổi bản thân so với việc vận hành công nghệ cũ mà vẫn kiếm ra tiền là điều đáng cân nhắc. Nhưng nếu các doanh nghiệp vượt qua được mối lo và có sự chuẩn bị tốt về tài chính thì doanh nghiệp đó sẽ thắng. Thách thức thứ ba là quyết tâm của người làm chủ. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết đều do mồ hôi công sức của một người bỏ ra. Để họ có thể đưa ra quyết định đầu tư thì phải thật sự quyết tâm, rồi từ đó mới lan toả ra toàn bộ công ty.
Do vậy, theo bà Dương, thay vì cứ nghĩ ra những ý tưởng thiếu thực tiễn thì các công ty khởi nghiệp nên cho ra những sáng kiến đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số - con đường “sống còn” của doanh nghiệp - ảnh 2
 Áp dụng CMCN4.0 trong dây chuyền sản xuất đèn led của công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Đánh giá về tầm quan trọng của chuyển đổi số, GS. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản nhấn mạnh, chuyển đổi số là sự sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, mỗi doanh nghiệp phải xác định lộ trình để chuyển đổi, xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, văn hóa... Yếu tố thành công không phải ở công nghệ mà phải bắt nguồn từ nhận thức và chiến lược của doanh nghiệp, sẵn sàng về phương diện công nghệ. Có một thực tế là, hiện nay doanh nghiệp “nghĩ quá lớn”, rồi cho ra những dự án quá lớn, kéo dài quá lâu và tốn nhiều kinh phí. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi, và thay đổi nhanh hơn những gì mà chúng ta dự tính. Do vậy, cần nghĩ rằng chuyển đổi số như một công cụ hay một quy trình để bắt đầu đầu tư.
Bên cạnh đó, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp là thay đổi phương thức sản xuất. Sự thay đổi này mang lại tiềm năng to lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được đầy đủ các cách thức để chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất thành công. Vì vậy, đối tượng cần phải nhận thức rõ nhất điều này là các giám đốc điều hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số nhưng để triển khai ứng dụng được các công nghệ mới, con người - nguồn nhân lực số được coi là một trong những yếu tố then chốt nhất. Trong cuộc cách mạng số, người thắng cuộc sẽ là người làm chủ nguồn dữ liệu lớn và có nguồn nhân lực số tốt. Vì vậy, đào tạo nhân lực là việc làm bắt buộc và rất cấp thiết. Đây là một trong những yếu tố kiên quyết để theo kịp môi trường chuyển đổi số cũng như cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Mạnh Hải (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, để kinh tế số, kinh tế chia sẻ được tận dụng hiệu quả ở Việt Nam, quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ. Đồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
Đặc biệt, theo ông Hải, các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các DN, các hiệp hội ngành nghề. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho DN nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ DN thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo...