Chuyển đổi số y tế quốc gia: 3 nền tảng đột phá phục vụ người dân

23:27 | 30/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
3 nền tảng đột phá phục vụ người dân sẽ là bước chuyển mình của ngành y tế trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia…
Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia được triển khai theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 7/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
 
Hội nghị “Chuyển đổi số y tế quốc gia” vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, do Văn phòng Chính phủ và Bộ y tế đồng chủ trì, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng chính phủ, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup, công ty Truyền thông Thiên Lộc phối hợp tổ chức, với mục đích tận dụng tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, bối cảnh COVID - 19.
 
 
Chuyển đổi số y tế quốc gia: 3 nền tảng đột phá phục vụ người dân - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành khai trương 3 nền tảng y tế số.
 
Với sự góp mặt của các Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Sở, ban ngành có liên quan, các ngân hàng, bệnh viện, cùng các đơn vị hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chuyển đổi số y tế, Hội nghị “Chuyển đổi số y tế quốc gia” không chỉ trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thực hiện thành công Chương trình chuyển số trong ngành y tế giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà còn giới thiệu gian hàng, trưng bày hình ảnh, sản phẩm demo, video clip demo… của các doanh nghiệp có thành tựu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, không gian mở, sáng tạo trong lĩnh vực y tế… Từ đó đưa hình ảnh doanh nghiệp và thương hiệu tới lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan báo chí và các tổ chức doanh nghiệp lớn, kết nối đầu tư.
 

Covid-19 -  “cú huých trăm năm”

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực đầu tiên được ưu tiên chuyển đổi số do liên quan đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất. Đây cũng là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển.
 
 
Chuyển đổi số y tế quốc gia: 3 nền tảng đột phá phục vụ người dân - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi
 
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, khi chuyển đổi số, hàng trăm ngàn bác sĩ có thể kết nối với các hộ gia đình thực hiện khám bệnh từ xa, dần dần tiến tới bác sĩ gia đình kiểu mới. Chuyển đổi số y tế, hay y tế số là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá.
 
Y tế điện tử chỉ sử dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ. Với y tế số, dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế.
 
Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ. Y tế vốn do nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
 
“Y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
 
Khi chuyển đổi số, hàng trăm ngàn bác sĩ có thể kết nối với các hộ gia đình thực hiện khám bệnh từ xa, dần dần tiến tới bác sĩ gia đình kiểu mới.
 
Bộ trưởng TT&TT nhìn nhận, đại dịch COVID-19 chính là “cú huých trăm năm”, nhất là đối với ngành y tế. Năm 2020, ngành y tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó.
 
“Hãy để những thay đổi mạnh mẽ này không dừng lại mà còn nhanh hơn. Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế. Việc 5 năm có thể làm 1 năm”, Bộ trưởng TT&TT cam kết.
 

Thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm và trả lời câu hỏi người dân cần gì

 
Tham dự và nhấn nút khai trương 3 hệ thống: Nền tảng Hồ sơ sức khỏe cá nhân, Mạng kết nối y tế Việt Nam và Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 - ba nền tảng mang tính đột phá, hướng tới phục vụ người dân thuận lợi, chất lượng hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chuyển đổi số để thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm trong y tế.
 
Theo Phó Thủ tướng, để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải quyết tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trước hết là phục vụ minh bạch hóa, đảm bảo trách nhiệm giải trình của tất cả cơ sở y tế, tiến tới giải trình của từng nhân viên y tế đối với người bệnh, và toàn xã hội. Quan trọng hơn là cần quán triệt, nhận thức rõ hơn công nghệ thông tin là công cụ không thể thiếu, hết sức hữu hiệu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh.
 
 
Chuyển đổi số y tế quốc gia: 3 nền tảng đột phá phục vụ người dân - ảnh 3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chuyển đổi số luôn gắn
với thay đổi cách làm, minh bạch hóa 
 
“Phải có cơ chế để giải quyết các chi phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin (máy móc, phần mềm, tập huấn) giống như những trang thiết bị, máy móc, vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
 
Quan trọng nhất trong chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết phải rất thiết thực từ những bài toán thực tiễn. Trước hết là phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành y tế về nguồn lực cán bộ nhân viên y tế, thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men… của từng khoa, phòng trong các bệnh viện, cơ sở y tế…
 
Từ câu chuyện có những bệnh viện lớn có hàng chục nhà thầu, hàng trăm phần mềm, hàng nghìn máy tính… nhưng không minh bạch được toàn bộ hoạt động, thậm chí ở các tuyến y tế bên dưới cũng vậy, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế, các sở y tế cho đến bệnh viện cần xác định rõ yêu cầu quản lý, quản trị để ra đầu bài. Từ đó, các doanh nghiệp lớn ngồi lại với nhau, kết hợp, thống nhất xây dựng nền tảng quản lý thống nhất, mở ra cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác cùng tham gia phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ các trạm y tế cơ sở lên đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương.
 
“Chuyển đổi số luôn gắn với thay đổi cách làm, minh bạch hóa nên có rất nhiều sức cản ở chính bên trong. Khi chúng ta đã xác định được đầu bài, nhiệm vụ phải làm, giải pháp, nền tảng chung thì phải triển khai đồng bộ bằng mệnh lệnh hành chính, không theo kiểu nơi nào thuận lợi thì làm trước mà tất cả phải cùng làm”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng đây là bài học rất lớn được rút ra và ngành y tế bằng thực tiễn vừa qua là một minh chứng.
 
Để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn trong điều kiện kinh phí, nguồn lực ít hơn nhiều so với các nước, Phó Thủ tướng cho rằng phải từ những việc rất chi tiết, cụ thể để trả lời câu hỏi: Người dân cần gì?
Phó Thủ tướng đặt đề bài cho ngành y tế phải làm sao để gần hết các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, ở mọi đối tượng, mọi tình trạng khác nhau đều có thể được tư vấn tự động, tự phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe bản thân.
 
Người dân cũng cần thuận tiện hơn trong xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, được tư vấn trực tiếp hoặc khám từ xa trực tuyến, qua mạng với bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp, nhất là từ năm 2021 sẽ thực hiện liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây sẽ là giải pháp giảm tải bệnh viện hiệu quả cần được đẩy mạnh. Cùng với hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn trực tuyến từ xa, để mọi người dân khi có bệnh thì qua hệ thống đều được biết bác sĩ, cơ sở y tế đến khám là phù hợp.
 
“Làm sao để cho người dân tin, đừng như xưa vì không tin nên mới phải lên bệnh viện tuyến trên cùng, và chỉ bằng công nghệ chúng ta mới có thể làm được”, Phó Thủ tướng nói.
 

Ngành y tế tiên phong đi đầu chuyển đổi số


Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm qua dù phải chống dịch COVID-19 nhưng ngành y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ.
“Chúng tôi không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn”, Bộ trưởng Y tế nói.
 
 
Chuyển đổi số y tế quốc gia: 3 nền tảng đột phá phục vụ người dân - ảnh 4
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm  của doanh nghiệp có thành tựu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế 


Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số.
 
Bộ cũng vận hành ứng dụng theo dõi tiến độ, chất lượng xử lý văn bản, các điểm khúc mắc trong xử lý văn bản. Đây sẽ là động lực để các đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
 
“Dù là Bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn Chính phủ giao nhưng chúng tôi không vì thế mà hài lòng. Tới đây, Bộ Y tế cam kết cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Y tế thông tin.
 
Về lĩnh vực công khai y tế, Bộ trưởng Long thừa nhận trước đây ngành y tế luôn có nhiều điều tiếng về giá thuốc, trang thiết bị. Vì vậy tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế lần đầu tiên khai trương cổng công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ ngành y tế cung ứng cho người dân.
 
Bước đầu công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế.
 
Sắp tới, Bộ sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, giá thực phẩm chức năng, giúp người dân dễ dàng tra được giá thuốc, so sánh giá bán tại các cửa hàng để có lựa chọn phù hợp nhất. Trong mục tiêu chuyển đổi số y tế đến 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.
 
 “Mục tiêu của ngành y tế là xây dựng nền y tế thông minh. Cơ sở y tế dành thời gian cho khám bệnh chữa bệnh chứ không phải dành thời gian cho thủ tục, giấy tờ”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
 
Minh Hoa