Chuyên gia: Bài toán khó của nền kinh tế là đẩy vốn tới doanh nghiệp, phải kiểm soát 'sốt đất' ngay trong 2 tháng cuối năm
Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam 2024 tăng trưởng 6-6,7%
Mới đây, Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kết thúc Đợt Tham vấn Điều IV của Điều lệ Quỹ với Việt Nam và công bố kết luận của Đợt tham vấn này.
Theo IMF, trong năm 2023 đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5% nhờ những chính sách quyết liệt của Chính phủ. Những xáo động trong thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động tới nền kinh tế. Quá trình phục hồi bắt đầu từ cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu và du lịch phục hồi, cũng như sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp.
“Lạm phát tăng trong năm 2024 chủ yếu do giá lương thực thực phẩm tăng, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn duy trì tương đối thấp và ổn định. Cán cân vãng lai đối ngoại đã thặng dư lớn trong năm 2023 ở mức 5,8% GDP, phần nhiều là do nhập khẩu sụt giảm đáng kể”, IMF nhận định.
Cũng theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,1% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước sẽ hồi phục dần do doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4 - 4,5% của NHNN trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF nhận định, những rủi ro tiêu cực vẫn còn cao. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.
“Những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy giảm sự ổn định tài chính”, báo cáo nhấn mạnh.
Trước đó, trong báo cáo công bố ngày 17/7, ADB dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,9% dự báo hồi tháng 4.
Theo ADB, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định là kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Xuất khẩu cuối năm nhiều tín hiệu khả quan khi đơn hàng và thị trường hồi phục. Bên cạnh đó, thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực sẽ là động lực tăng trưởng chính. Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định…
Với những tín hiệu tích cực trên, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 4% trong 2 năm 2024 và 2025, mặc dù căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga – Ukraine có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát.
Trong một góc nhìn khác, bất chấp thiệt hại từ bão Yagi, HSBC dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,5% năm nay. Đây là mức cao hàng đầu của các tổ chức quốc tế về triển vọng nền kinh tế Việt Nam sau bão.
Theo HSBC, các chính sách như giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng của một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ các ngành trong nước, đặc biệt là bán lẻ đang tăng thấp hơn xu hướng trước đại dịch.
Chuyên gia kinh tế: Mục tiêu tăng trưởng GDP 7% là khá thách thức
Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam về những dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá: “Tôi nghĩ mức tăng trưởng 6% cho năm nay là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ muốn đẩy tăng trưởng lên 7% thì tôi cho rằng đây là mục tiêu rất tham vọng. Tại vì năm nay nền kinh tế của chúng ta cũng không phát triển mạnh, nhất là sau cơn bão Yaki đã tàn phá rất nhiều nông nghiệp ở miền Bắc, cơ sở hạ tầng... và cả nền kinh tế. Do đó tôi nghĩ rằng tăng trưởng 6% là hợp lý”.
Trong một góc nhìn lạc quan hơn, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chuyên gia kinh tế đánh giá: “Có thể thấy, mặc dù trong 8 tháng năm 2024, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Tuy nhiên, bằng sức mạnh nội tại và sự linh hoạt trong điều tiết chính sách… nên nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ tốt đà tăng trưởng, ổn định và có những điểm sáng. Những kết quả đó đã thể hiện sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, cũng thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, mục tiêu đề ra.
Thực tế, tình hình kinh tế - xã hội gần 8 tháng năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so với cùng kỳ năm trước trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực cho các tháng, quý tiếp theo.
“Với những điểm sáng, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2024. Mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt ngưỡng 6,3 - 6,5% và lạm phát khoảng 3,2 - 3,5%. Nếu kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn, lãi suất ngân hàng được quốc gia hạ xuống, lạm phát giảm, giao thương tốt hơn, cùng với sự khuyến khích của Nhà nước về giữ mức lãi suất thấp, ổn định tỷ giá hối đoái, giảm thuế, giãn hoãn tiền thuê đất… thì chúng ta vẫn có thể kỳ vọng nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng cao hơn”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Cơ hội là vẫn có, thế nhưng vẫn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn. Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, khó khăn, thách thức và những rủi ro luôn tồn tại, nếu chúng ta không có hướng đi đúng đắn và linh hoạt các giải pháp thì nền kinh tế khó có thể phát triển ổn định.
“Chúng ta thấy rằng, cơn bão Yagi đổ bộ vào nước ta cũng làm giảm mức độ tăng trưởng, hoạt động sản xuất ở các tỉnh phía Bắc cũng như cả nước. Theo tính toán của các chuyên gia ở khoảng 0,18% - 0,2%. Tuy chúng ta vẫn có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng điều đó cũng cho ta thấy, rõ ràng những rủi, thách thức còn rất nhiều…
Để có thể giữ đà tăng trưởng của nền kinh tế thì khó khăn là chúng ta phải có được chính sách linh hoạt ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô...
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức như: áp lực lạm phát còn lớn; khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn chậm được cải thiện; nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp Việt nhằm thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh); khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp chưa cao…
Khó khăn tiếp đó là chúng ta phải điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp, giúp các doanh nghiệp khó khăn ổn định sản xuất tốt, nâng cao năng lực đầu tư, năng suất lao động…”.
Còn theo chuyên gia Hiếu, cơn bão đã tàn phá nhiều ngành nghề ở miền Bắc, trong đó bị ảnh hưởng nhiều nhất là lĩnh vực nông nghiệp, sau đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Trong bối cảnh FED vừa giảm lãi suất, điều này cũng có lợi cho Việt Nam là nó sẽ giảm áp lực lên tỷ giá, có thể tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất cho vay thấp được”, TS Hiếu nói.
“Hạ lãi suất không phải là vấn đề, vấn đề là đẩy được nguồn vốn cho các doanh nghiệp”
Theo chuyên gia Thịnh, để tạo đà cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, trước tiên chúng ta cần ổn định nền kinh tế vĩ mô, hồi phục và tăng trưởng sản xuất ngay sau bão ở các tỉnh phía Bắc cũng như đẩy mạnh hoạt động logistic, ổn định giá cả ở các vùng miền trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có các ứng phó kịp thời với các rủi ro và tận dụng được cơ hội của xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài... Đồng thời, có lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản để kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp họ phát triển ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong bão, lũ vừa qua. Vì từ nay đến cuối năm, thời gian còn rất ngắn, nên việc nhanh chóng tiết giảm được thủ tục hành chính cũng sẽ góp phần mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp ổn định phát triển, đóng góp cho nền kinh tế.
Thêm nữa, cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện khung chính sách nhằm mở rộng không gian phát triển cho các mô hình kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Trong một góc nhìn khác, chuyên gia Hiếu đánh giá: “Về chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì lãi suất thấp. Tuy nhiên việc này chưa giải quyết được vấn đề. Vấn đề ở đây là vấn đề làm sao đẩy được nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Đây có lẽ là vấn đề bị tắc nghẽn năm ngoái đến năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vẫn rất thiếu vốn”.
TS Hiếu cho rằng để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi tiếp cận tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng thì cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp. Khi rủi ro hạ xuống thì ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. “Đây như đầu tàu trong nền kinh tế. Khi đầu tư công được đẩy mạnh thì rất nhiều hoạt động kinh tế sẽ được kéo theo”, vị chuyên gia này nói.
Đồng thời, cần kiểm soát được những cơn “sốt” đất, những nhóm lợi ích đang thao túng trên thị trường bất động sản để cung cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. “Đây là những việc cần làm ngay trong 2 tháng còn lại của năm 2024”, TS Hiếu nhấn mạnh.