Chuyên gia: Giá vàng có thể lên mức 4.000 USD mỗi ounce trong năm 2023
Theo dự đoán của một số nhà phân tích, giá vàng trong năm 2023 có thể lên tới 4.000 USD/ounce do lạm phát và lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ông Juerg Kiener - Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư Swiss Asia Capital (Singapore) - dự đoán giá vàng có thể đạt 4.000 USD/ounce vào năm 2023 do lãi suất tăng và quan ngại về suy thoái kinh tế khiến thị trường biến động.
Khép lại phiên giao dịch ngày 23/12, giá vàng giao tháng 2/2023 tăng 0,5%, lên 1.804,2 USD/ounce.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Juerg Kiener ước tính giá vàng có thể dao động trong khoảng 2.500-4.000 USD/ounce vào năm tới.
Ông Juerg Kiener giải thích, thị trường vàng sẽ chứng kiến nhiều biến động lớn, mức tăng không chỉ 10% hay 20% mà còn có thể thiết lập các mức giá cao mới. Nhiều nền kinh tế có thể đối mặt với suy thoái nhẹ trong quý I/2023, khiến các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất và vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản "trú ẩn an toàn" nhưng sinh lời thấp như vàng giảm đáng kể.
Giá vàng duy trì trên 1.800 USD mỗi ounce khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt
Bên cạnh đó, vàng cũng là tài sản duy nhất mà tất cả ngân hàng trung ương đều sở hữu. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua khoảng 400 tấn vàng trong quý III/2022, gần gấp đôi mức kỷ lục 241 tấn trong cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Juerg Kiener, kể từ những năm 2000, lợi nhuận trung bình của đầu tư bằng bất kỳ loại tiền tệ nào vào vàng là khoảng 8-10% một năm. Mức lợi nhuận đó không dễ đạt được trên thị trường trái phiếu hay thị trường chứng khoán.
Ông Juerg Kiener cũng cho rằng, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới. Vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát rất tốt, một sản phẩm đầu tư hấp dẫn trong thời kỳ lạm phát đình trệ.
Trả lời câu hỏi nếu nguồn cung sẽ cạn kiệt do nhu cầu cao hay không, chuyên gia Kiener cho rằng "luôn có nguồn cung nhưng có thể không phải ở mức giá mong muốn". Tuy nhiên, ông lưu ý, mức giá cao sẽ không làm giảm nhu cầu mua vàng của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters đưa tin, đầu tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bổ sung thêm lượng vàng trị giá 1,8 tỷ USD vào kho dự trữ của mình, nâng tổng giá trị tích lũy lên khoảng 112 tỷ USD. Các nước châu Á khác cũng đang đẩy mạnh mua kim loại quý này.
Ông Nikhil Kamath, nhà đồng sáng lập công ty môi giới lớn nhất Ấn Độ Zerodha, cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ khoảng 10-20% tỷ trọng danh mục đầu tư cho vàng. Đây là một chiến lược phù hợp cho năm 2023 vì vàng có tính phòng thủ đối với lạm phát và nếu xét về dài hạn, đầu tư vào kim loại quý này cũng đem lại lợi nhuận tương đối ổn định.
Bất chấp nhu cầu vàng tăng mạnh, ông Kenny Polcari - nhà chiến lược thị trường cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư Slatestone Wealth (Mỹ) - lại cho rằng giá vàng không thể tăng gấp đôi vào năm tới. Giá kim loại quý này thậm chí có thể giảm giá khi gặp ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce. Diễn biến của giá vàng sẽ phụ thuộc vào việc lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng như thế đến lạm phát toàn cầu.
Ông Polcari chia sẻ, vàng luôn nằm trong danh mục đầu tư của ông, tuy nhiên, 4.000 USD/ounce không phải là mức giá mục tiêu./.