Chuyên gia: Xung đột Nga - Ukraine chỉ tác động tới tỷ giá trong ngắn hạn

Trịnh Huyền Trang 10:07 | 03/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam, áp lực lên đồng VND đang tăng lên do những biến động trên thị trường quốc tế, tuy nhiên sẽ chỉ trong ngắn hạn, chưa lo ngại về việc dòng vốn ngoại đảo chiều.

Diễn biến leo thang mới đây của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine khiến cho giá USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Thị trường tài chính của nhiều quốc gia rơi vào vào trạng thái hoảng loạn, trước khi hồi phục lại phần nào vào phiên giao dịch cuối tuần, theo Chứng khoán SSI.

Cụ thể, đồng USD, đo lường bằng chỉ số DXY tăng 0,6% trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đểu mất giá như EUR giảm 0,5%, GBP 1,3%,…Đồng RUB của Nga giảm tới 7,3% trong tuần qua, và các đồng tiền mới nổi khác đều mất giá so với USD.

Bên cạnh đó, lộ trình tăng lãi suất của Fed cũng đang là một biến số khi nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,25-0,5% trong phiên họp vào giữa tháng 3 tới. Thậm chí, JP Morgan dự báo còn dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % tại mỗi cuộc họp trong 9 cuộc họp tiếp theo.

Không riêng Fed, làn sóng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát bắt đầu lan rộng trên thế giới. Mới đây, Ngân hàng trung ương Nga vừa tăng lãi suất gấp hơn hai lần, từ 9,5% lên 20%/năm trong bối cảnh giá trị đồng ruble so với đô la Mỹ (USD) vừa rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. 

Với độ mở nền kinh tế lớn, những áp lực từ thị trường quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến tỷ giá VND. 

Tác động lên tỷ giá chỉ trong ngắn hạn

Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Nguyễn Thế Minh. (Ảnh: Yuanta Việt Nam).

Liên quan chính sách tiền tệ của Fed, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng điều này chắc chắn ảnh hưởng đến yếu tố tỷ giá và có thể ảnh hưởng cả chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Về cơ bản trong năm 2022, Fed sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, như vậy tiền đồng sẽ có xu hướng mất giá.

Nhìn lại bối cảnh năm 2020 và 2021, Fed duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, đồng USD cũng xuống giá rất mạnh. Khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục sau dịch COVID-19, Fed sẽ sớm có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay với tốc độ nhanh hơn.

Điều này sẽ đẩy đồng USD lên trong năm 2022. Như vậy, USD có thể được xem là một kênh đầu tư tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2022 và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của Việt Nam.

Song, tác động này dự báo không quá mạnh (biến động dưới mức 2%) nhờ vào nguồn dự trữ ngoại tệ và thặng dư thương mại khá lớn. Đây là 2 công cụ giúp Việt Nam đảm bảo tính thanh toán trong quá trình chi trả cho các khoản vào cuối năm – thời điểm tỷ giá thường có mức biến động mạnh.

Nhìn chung, hai yếu tố trên có thể giúp Việt Nam can thiệp trong thời điểm mà tình hình tỷ giá biến động và đồng VND rớt giá mạnh. Bên cạnh đó, NHNN cũng có đủ công cụ để kiểm soát được tình hình này.

Về xung đột kéo dài tại Ukraine, ông Minh cho biết bản chất các xung đột chính trị sẽ mang tính chất tâm lý nhiều hơn tác động về mặt vĩ mô. Theo đó, việc này sẽ tác động trực tiếp lên các đồng tiền, đặc biệt là đồng rúp của Nga. Đồng thời giúp USD tăng mạnh hơn và có lợi thế hơn các đồng tiền mới nổi.

Như vậy, việc này có ảnh hưởng đến tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo thống kê, những yếu tố về chính trị chỉ khiến tỷ giá biến động trong ngắn hạn, sau đó mức biến động sẽ thu hẹp lại trong trung hạn và quay về trạng thái cân bằng.

Cùng quan điểm, SSI nhận định áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua. 

Tuy nhiên, công ty chứng khoán cho rằng cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và giúp đồng VND duy trì được sức mạnh của mình.

Mặt khác, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc duy trì môi trường vĩ mô trong nước ổn định sẽ là ưu tiên của nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh bất ổn khó lường từ môi trường quốc tế đang gia tăng.

Chưa lo ngại dòng vốn ngoại đảo chiều

Trước những lo ngại về vốn ngoại đảo chiều, ông Minh nhận định khả năng rút hơn của khối ngoại tại thị trường Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn về vấn đề tỷ giá trong năm 2022.

Đặc biệt là với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do FDI đi theo xu hướng chung là sự dịch chuyển chuỗi sản xuất. Chuyên gia cho rằng căng thẳng Ukraine và Nga có thể sẽ là động lực giúp cho làn sóng này dịch chuyển mạnh hơn. Xu hướng là xuất nhập khẩu tại Trung Quốc sẽ dần chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Đối với dòng vốn đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, năm 2020 và 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị rút ra rất lớn từ khối ngoại và tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống xấp xỉ dưới 16%. 

Do đó, nhiều khả năng nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại nhiều hơn thay vì tiếp tục rút ra nhờ ba yếu tố.

Thứ nhất, tình hình vĩ mô tại Việt Nam đang dần trở nên ổn định. Thứ hai, Việt Nam được xem là một trong những chuỗi cung ứng quan trọng, nghĩa là nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang tốt hơn. 

Thêm vào đó, Việt Nam đang là một trong những rổ tiềm năng của thị trường mới nổi. Nếu tới đây, Nga bị loại khỏi thị trường mới nổi thì cơ hội cho Việt Nam khá lớn và có khả năng sẽ trở thành nhóm thị trường được lựa chọn kế tiếp.